Ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hơi thở có mùi còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm mà chẳng ai ngờ tới.
Hôi miệng là tình trạng >hơi thở có mùi hôi, làm người mắc phải cảm thấy bối rối và mất tự tin khi giao tiếp. Nguyên nhân gây hôi miệng thường do ăn phải những thực phẩm có chứa chất làm khô miệng (bia rượu, thuốc lá…) hoặc các món có lượng đường cao, khi chúng phân hủy trong miệng sẽ làm giải phóng amino axit chứa nhiều hợp chất sulfur gây hôi miệng.
Tuy nhiên, việc ăn phải những thực phẩm đó chỉ gây nên chứng hôi miệng tạm thời, chỉ cần đánh răng sạch sẽ là hơi thở lại thơm tho. Còn ngược lại, dù bạn đã làm mọi cách nhưng vẫn bị hôi miệng thì rất có thể là do bệnh lý. Theo Christine Frank – nha sĩ tốt nghiệp tại trường Đại học Loyola (Mỹ), nếu hơi thở bạn có 5 mùi như sau thì hãy cẩn thận kẻo mắc bệnh:
- Hơi thở có mùi ngọt, mùi trái cây: Mắc bệnh tiểu đường
- Hơi thở có mùi thối như rác thải: Nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi
- Hơi thở có mùi chua: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Hơi thở có mùi amoniac như nước tiểu: Suy thận
- Hơi thở có mùi mốc: Xơ gan, bệnh gan
Cụ thể như sau:
1. Hơi thở có mùi ngọt, mùi trái cây: Mắc bệnh tiểu đường
Nếu hơi thở của bạn có mùi ngọt hoặc mùi trái cây thì đó là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường. Theo đó, bình thường lượng đường trong máu sẽ vận chuyển đến các tế bào và sản sinh năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng nếu mắc bệnh tiểu đường, lượng đường này sẽ tăng cao và khiến các tế bào phải dùng chất béo để sản sinh năng lượng, tạo ra sản phẩm phụ là chất xeton làm hơi thở có mùi trái cây.
Bên cạnh đó, việc bạn ăn kiêng quá mức cũng ép cơ thể phải dùng chất béo để sản sinh năng lượng và làm hơi thở có mùi ngọt. Chất xeton này càng nhiều thì hơi thở bạn càng có mùi như trái cây. Nếu đã loại trừ việc ăn kiêng mà hơi thở vẫn có mùi này thì bạn nên đi khám tiểu đường càng sớm càng tốt.
2. Hơi thở có mùi thối như rác thải: Nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, cảm cúm, viêm xoang… có thể là nguyên nhân chính của chứng hôi miệng mãn tính. Theo các chuyên gia giải thích, loại bệnh này sẽ phá vỡ hoặc gây viêm các mô trong hệ thống hô hấp, từ đó làm kích hoạt quá trình sinh sản các tế bào ăn vi khuẩn và chất nhầy.
Bên cạnh đó, chảy dịch mũi sau và dị ứng cũng có thể làm hôi miệng vì đây là những tình trạng bệnh gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Lấy ví dụ, nghẹt mũi sẽ buộc bạn phải thở bằng miệng, dẫn đến khô miệng và tăng sinh các vi khuẩn gây mùi hôi.
Đáng sợ hơn, nếu mùi hôi miệng thối đến mức chính bạn cũng thấy khó chịu thì hãy cảnh giác bệnh ung thư phổi. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng, triệu chứng hôi miệng mãn tính có thể cảnh báo sớm bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu, hầu như 80% bệnh nhân ung thư phổi đều gặp phải. Liệu pháp xạ trị và hóa trị có thể dẫn đến hôi miệng do vòm miệng không tiết nước bọt đầy đủ, khiến vi khuẩn sinh sôi và giải phóng sulfur có mùi rất khó chịu.
3. Hơi thở có mùi chua: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Những tình trạng bệnh tại đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và trào ngược axit có thể làm bạn hôi miệng. Hai loại bệnh này sẽ trì hoãn hoặc ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn hiệu quả trong dạ dày. Khi thức ăn không thể di chuyển qua ống tiêu hóa thì chúng sẽ bắt đầu phân hủy, sau đó tạo mùi và đẩy lên thực quản gây hôi miệng.
Các nha sĩ cũng phát hiện những bệnh nhân bị đỏ, sưng tấy họng hoặc xói mòn axit ở răng đều mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Một nghiên cứu vào năm 2008 cũng cho thấy vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày cũng là tác nhân khiến hơi thở có mùi chua.
4. Hơi thở có mùi như nước tiểu: Suy thận
Đôi lúc việc bạn ăn nhiều hải sản sẽ làm miệng có mùi tanh hoặc mùi amoniac như nước tiểu. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì đây là dấu hiệu sớm của bệnh suy thận.
Cụ thể, thận đảm nhiệm chức năng loại bỏ độc tố trong máu bằng cách tạo ra nước tiểu. Khi thận bị suy yếu, nó sẽ không còn khả năng lọc các chất thải trong cơ thể nên khiến chúng tích tụ lại, gây ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan khác. Lúc này, hệ hô hấp cũng bị tác động theo và gây nên những vấn đề về hơi thở.
5. Hơi thở có mùi mốc: Xơ gan, bệnh gan
Gan cũng đóng vai trò tương tự như thận, nó giúp thanh lọc độc tố và trao đổi chất trong cơ thể. Nếu gan bị tổn thương, chức năng gan suy giảm thì độc tố không được thải ra ngoài và tích tụ lại gây hôi miệng. Các chuyên gia cho biết, đa phần những người mắc bệnh gan đều bị hôi miệng dài ngày không khỏi.
Khi gan yếu gây hôi miệng sẽ có các triệu chứng như nổi mụn nhọt, nổi mề đay, ngứa da… Do vậy bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và đến bác sĩ sớm, nếu vấn đề đến từ gan thì việc điều trị sẽ như "một mũi tên trúng hai đích", vừa điều trị bệnh gan và làm giảm luôn tình trạng hôi miệng.
Những biện pháp làm giảm mùi hôi miệng
Ngoài những vấn đề bệnh lý, điều quan trọng nhất để làm giảm mùi hôi miệng chính là phải vệ sinh sạch sẽ răng miệng sau khi ăn. Các bác sĩ nha khoa khuyên bạn nên dùng chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn sót lại trong kẽ răng, vì dùng tăm không thể sạch bằng.
Nếu bị sâu răng, viêm nướu hay các bệnh lý khác thì bạn cần phải điều trị triệt để và giữ miệng ẩm bằng cách uống nhiều nước. Nên hạn chế các thực phẩm gây hôi miệng như hành, tỏi, đồ tanh… và tăng cường trái cây lẫn rau củ. Một ngày đánh răng ít nhất 2 lần để giữ cho hơi thở luôn thơm mát.
Theo Healthline, Mayoclinic