Thuốc chữa bách bệnh, cam kết uống là khỏi... và hàng trăm lời quảng cáo có cánh cùng với tác dụng nhanh chóng, thần kỳ là những loại thuốc gắn mác đông y nhưng lại chứa chất cấm.
Thần dược chứa chất cấm
Chị Nguyễn Thị T. ở Hoàng Mai, Hà Nội có con 7 tuổi thường xuyên bị các bệnh về tai mũi họng. Cháu lúc nào cũng ốm, đi các bệnh viện nhưng không cải thiện. Vì thế, dù 7 tuổi nhưng thân hình của cháu nhỏ bé.
Nghe quảng cáo có >thuốc đông y gia truyền chữa bệnh của cháu. Với quảng cáo đông y gia truyền, đặc trị bệnh nên chị T. mua luôn về cho con dùng. Bé dùng có kết quả tốt, tăng cân nhanh chóng. Điều này khiến vợ chồng chị T. mừng rỡ vì điều anh chị luôn day dứt là con ốm đau, còi cọc.
Chị T. thấy thuốc tốt nên khoe với mọi người. Chị có người quen làm bác sĩ nên hỏi về thuốc "thần dược" đó. Thật bất ngờ, chị T. được khuyên mang thuốc đi xét nghiệm vì đông y không thể nào có tác dụng nhanh được, chắc chắn bị trộn thêm thuốc tây y.
Nghe như thế, chị T. đã mang mẫu thuốc đi xét nghiệm độc lập và gửi tới Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Kết quả thật bất ngờ, gói thuốc có chứa các thành phần tây y đặc biệt có cả thành phần bị cấm từ 36 năm trước do có thể gây ung thư và hư thận.
Các thành phần chỉ đọc thì người sử dụng sẽ không biết nhưng khi mang đi kiểm nghiệm và được tư vấn thì các thành phần Phenacetin, paracetamol, Chlorphenamine và caffeine không như thần dược.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết phenacetin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nó là một trong những thuốc giảm sốt tổng hợp đầu tiên có mặt trên thị trường.
Nó cũng được biết đến trong lịch sử là một trong những thuốc giảm đau không opioid đầu tiên không có đặc tính chống viêm. Tuy nhiên, vào tháng 11/1983 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu thu hồi thuốc có chứa chất phenaceti do đặc tính gây ung thư và làm hư thận.
Bác sĩ Hùng cho biết, trong quá trình xử trí các ca cấp cứu, anh gặp rất nhiều trường hợp người bệnh mua thuốc đông y gia truyền trên mạng về uống đặc biệt là các bệnh nhân bị tiểu đường, viêm khớp, viêm mũi xoang...
Sau khi uống xong, có bệnh nhân bị diễn biến nặng phải đi cấp cứu. Trường hợp một bệnh nhân ở Bắc Ninh bị đái tháo đường tuyp 2, sau đó bệnh nhân nghe quảng cáo thuốc trên mạng có tác dụng chữa đái tháo đường nên mua về dùng. Kết quả, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch.
Khi bác sĩ tiến hành xét nghiệm thuốc bệnh nhân dùng thì phát hiện ra chất cấm Phenformin. Phenformin là một thuốc điều trị đái tháo đường nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam do nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa, thậm chí gây tử vong.
Tuy nhiên, hiện nay phenformin vẫn bị sử dụng để trộn vào các chế phẩm y học cổ truyền lưu hành bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều người đã lợi dụng thuốc này trộn vào thuốc đông y để bán ra thị trường.
Vào năm 2018, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như nhiễm toan máu, suy đa tạng và tử vong do sử dụng đông y gia truyền để điều trị bệnh.
Lời có cánh "đảm bảo khỏi ngay"
Thuốc đông y gia truyền "đảm bảo khỏi bệnh ngay" là những thông tin được chia sẻ, quảng cáo trên mạng trong thời gian qua rất nhiều. Chính vì thế, nhiều người nghĩ rằng đông dược an toàn, tốt, ít tác dụng phụ nên mua về sử dụng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Theo PGS, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên trường đại học Y dược, TP.HCM thuốc đông y trộn tân dược hiện nhan nhản trên thị trường. Vì muốn thuốc đông dược trở thành thần dược người bán hàng phải trộn tân dược mới có tác dụng nhanh.
Ví dụ như các thuốc trị bệnh về khớp thì bỏ thêm vào dexamethasone, prednisolone, ibuprofen, diclofenac, indomethacin, naproxen, mefenamic acid... Hậu quả của thuốc gây ra thật trầm trọng như phù nề, loét dạ dày, mục xương, tăng huyết áp, xuất huyết, dị ứng (các thuốc không corticoid), suy gan (đối với paracetamol), trụy tim mạch...
Trong khi đó, thuốc đông dược trộn thêm tân dược rất khó phát hiện và kiểm nghiệm cũng tốn kém. Những người mua phải thuốc này không có điều kiện kiểm nghiệm và họ nghĩ đông dược an toàn nên cứ thế dùng mà không lường trước được hậu quả.
PGS Đức cho biết, hiện nay quản lý đông dược ở nước ta còn nhiều bất cập. Các sản phẩm đông dược nhập lậu, trôi nổi rất nhiều, ở đâu cũng có thần dược trị đủ các bệnh được quảng cáo thảo dược, đông dược.
Để tránh rước hoạ vì đông dược, PGS Đức khuyến cáo bất cứ ai nếu muốn sử dụng thuốc đông y để điều trị đái tháo đường, cơ xương khớp, kích thích ăn ngon… cần được tư vấn bởi những người có chuyên môn về y dược học cổ truyền thay vì tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.