Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành lọc máu cấp cứu, cứu sống một người bệnh nhập viện bị ngộ độc do uống 50 viên Paracetamol.
Đó là trường hợp chị B.T.K.T, 37 tuổi, trú tại Quảng Yên - Quảng Ninh. Được biết, trước đó do có mâu thuẫn trong gia đình chị T tự mua và uống 50 viên Paracetamol 0.5g. Sau khi uống, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn và nôn. Người nhà đã kịp thời phát hiện và đưa người bệnh đến cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Bệnh nhân đã được bác sĩ tiến hành lọc máu cấp cứu và điều trị nội khoa nên đã tránh được nguy cơ suy gan cấp do hoại tử tế bào gan.
Bác sĩ Vũ Công Quân, Khoa Hồi sức tích cực Nội bệnh viện, cho biết, paracetamol (dược chất Acetaminophen) là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt khá phổ biến, dễ mua dễ sử dụng. Vì vậy, tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ngộ độc paracetamol ảnh hưởng nặng nề đến gan, trường hợp nặng có thể làm hoại tử gan, nguy hiểm nhất là gây tử vong. Quá trình chuyển hóa paracetamol là lý do dẫn đến ngộ độc gan. Paracetamol chủ yếu được hấp thụ vào đường máu đến gan và được chuyển hóa thành nhiều dạng khác nhau.
Lưu ý khi dùng >thuốc paracetamol:
Khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy >dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng.
Người dân khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cũng nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Đặc biệt, những trường hợp phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người có bệnh về gan, thận, người cao tuổi cần phải thận trọng hơn khi dùng paracetamol.