Dù mật ong có tính kháng khuẩn nhưng có thể gây bệnh cho người dùng khi bị nhiễm bẩn, bảo quản không đúng cách hoặc giảm tác dụng theo thời gian...
>Mật ong vừa là thực phẩm, vừa là thuốc đối với người Việt. Có lẽ bạn không biết, mật ong là một trong những chất ngọt lâu đời nhất được con người tiêu thụ, chúng được ghi nhận là có từ 5.500 năm trước Công nguyên.
Nhắc đến mật ong, người ta sẽ nghĩ đến một thực phẩm có thể để hàng trăm năm không hỏng. Thậm chí theo tờ Healthline, nhiều lọ mật ong khi được khai quật trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại, vẫn ăn ngon như mới.
Tuy nhiên, không phải mật ong lúc nào cũng tốt. Dù chúng có tính kháng khuẩn nhưng có thể gây bệnh cho người dùng khi bị nhiễm bẩn, bảo quản không đúng cách hoặc giảm tác dụng theo thời gian...
Mật ong có thể trở nên nguy hiểm với cơ thể khi nào?
1. Khi chúng bị ô nhiễm
Theo nghiên cứu của Hiệp hội mật ong "National Honey Board" của Mỹ: Các vi sinh vật hiện diện tự nhiên trong mật ong bao gồm vi khuẩn, nấm men và nấm mốc . Chúng có thể đến từ phấn hoa, đường tiêu hóa của ong, bụi, không khí, bụi bẩn và hoa.
Thông thường, mật ong có đặc tính kháng khuẩn vì vậy những sinh vật này thường không có khả năng sinh sôi. Tuy nhiên trong vài trường hợp, người ta vẫn tìm thấy các bào tử của độc tố thần kinh C. botulinum. Hầu hết độc tố này chỉ tồn tại với lượng rất nhỏ trong mật ong, vô hại đối với người lớn, nhưng trẻ sơ sinh dưới một tuổi có thể bị ngộ độc, gây tổn thương hệ thần kinh, tê liệt và suy hô hấp.
Ngoài ra, trong quá trình mật ong được vận chuyển, chế biến có thể bị ô nhiễm thêm bởi bụi, côn trùng, động vật, nguồn nước bẩn.
2. Khi mật ong bị pha trộn
Để giảm giá thành sản xuất, mật ong có thể được một số nhà sản xuất trộn lẫn bằng xi-rô đường từ ngô, mía và đường củ cải...
Ngoài ra, để tăng tốc độ chế biến, mật ong có thể được thu hoạch trước khi nó chín, dẫn đến hàm lượng nước cao hơn và không an toàn. Thông thường, ong dự trữ mật trong tổ và khử nước để nó chứa ít hơn 18% nước. Nếu mật ong được thu hoạch quá sớm, hàm lượng nước có thể trên 25%. Điều này dẫn đến nguy cơ lên men và khả năng hư hỏng.
3. Khi mật ong được bảo quản sai cách
Nếu bảo quản mật ong không đúng cách, mật ong có thể mất một số đặc tính kháng khuẩn, bị nhiễm khuẩn hoặc bắt đầu biến chất.
Theo các chuyên gia, khi lọ mật ong bị mở hoặc đậy kín không đúng cách, hàm lượng nước có thể bắt đầu tăng trên mức an toàn 18%, làm tăng nguy cơ lên men, khiến mật ong bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh.
4. Nó có thể kết tinh và suy giảm theo thời gian
Ngay cả khi được bảo quản đúng cách, mật ong kết tinh là điều hoàn toàn bình thường. Đó là bởi vì nó chứa nhiều đường hơn mức có thể được hòa tan. Mật ong kết tinh sẽ trở nên trắng hơn và có màu nhạt hơn. Nó cũng có thể trở nên đục hơn nhiều thay vì trong.
Ngoài ra, mật ong bảo quản lâu ngày có thể bị sẫm màu và bắt đầu mất đi mùi thơm và hương vị. Dù điều này không gây nguy hiểm cho >sức khỏe, nhưng nó có thể bớt đi vị hấp dẫn.
Cách bảo quản và xử lý mật ong đúng cách
1. Bảo quản trong hộp kín
Nên để mật ong trong bình, lọ thủy tinh và hộp thép không gỉ có nắp đậy kín. Nên đặt chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát: Mật ong lý tưởng nên được bảo quản dưới 50 ° F (10 ° C). Tuy nhiên, bảo quản ở nhiệt độ phòng mát từ 50–70 ° F (10–20 ° C) nói chung vẫn tốt.
2. Làm lạnh
Mật ong có thể được để trong tủ lạnh nếu thích nhưng nó có thể kết tinh nhanh hơn và đặc hơn.
3. Làm ấm nếu bị kết tinh
Nếu mật ong kết tinh, bạn có thể đưa mật ong trở lại dạng lỏng bằng cách làm ấm nhẹ và khuấy đều. Tuy nhiên, không nên đun quá lửa hoặc đun sôi vì như vậy sẽ làm biến chất màu và hương vị của chúng.
4. Tránh ô nhiễm
Tránh làm ô nhiễm mật ong với các dụng cụ bẩn như dao hoặc thìa, vì điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm men và nấm mốc phát triển.
Nếu nghi ngờ, hãy đổ chúng ra để quan sát: Nếu mật ong của bạn có vị nhạt, có bọt hoặc bạn nhận thấy có nhiều nước thì tốt nhất là bạn nên đổ nó đi.
Đối tượng nào tốt nhất không nên dùng mật ong?
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích khí, bổ hư tổn, thanh nhiệt, nhuận táo, giải độc, giảm đau, sát trùng...
Mật ong chỉ thực sự tốt khi sử dụng đúng cách, ngược lại có một số đối tượng dùng mật ong có thể gây ra tác dụng phụ. Cụ thể, những đối tượng không nên dùng mật ong là:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Mật ong trong quá trình vận chuyển hay pha chế đều dễ bị ô nhiễm botulinum, các bào tử này vẫn có thể tồn tại cả trong nhiệt độ 100 độ C. Trong khi đó, trẻ nhỏ có chức năng tiêu hóa, chức năng thải độc gan chưa hoàn chỉnh khiến cho botulinum dễ dàng xâm nhập vào thành ruột, gây ngộ độc. Kể cả khi trẻ đã lớn hơn 1 tuổi thì phụ huỵnh vẫn nên cho trẻ dùng mật ong đúng liều lượng phù hợp.
- Bà bầu: Mật ong có thể khiến tử cung bị co lại, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của thai nhi. Vì vậy bà bầu nên tránh dùng.
- Người tiểu đường: Mật ong chứa nhiều glucose và fructose – các loại đường đơn giản, có thể được hấp thụ trực tiếp vào máu. Bệnh nhân tiểu đường nếu thường xuyên sử dụng mật ong sẽ làm cho lượng đường trong máu gia tăng rất nhanh.
- Bệnh nhân huyết áp thấp: Trong mật ong có chứa một chất giống như là Acetylcholine, khiến huyết áp giảm nghiêm trọng, dễ gây biến chứng nặng.