Giới trẻ hiện nay, không phân biệt nam nữ, mặc quần dáng lửng hở cổ chân đang được coi là "mốt", kể cả trong mùa đông khắc nghiệt. Sự thực, việc mặc quần để lộ cổ chân trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người xưa có câu "lạnh bắt đầu từ dưới chân", nhất là vào mùa đông, càng phải chú ý giữ ấm bàn chân. "Hở cổ chân" tưởng chừng như chuyện rất nhỏ nhưng lại có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau.
Bàn chân được coi là "trái tim thứ hai" của con người, cổ chân là trung tâm quan trọng kết nối tim và bàn chân. Ở cổ chân có các mô quan trọng như bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh. Mỡ dưới da của cổ chân vô cùng yếu ớt và dễ bị khí lạnh tấn công, đồng thời khiến cơ thể con người rất dễ bị nhiễm lạnh.
Nếu để cổ chân tiếp xúc với nhiệt độ thấp trong thời gian dài sẽ khiến khí huyết kém lưu thông, kinh mạch khớp mất đi nguồn nuôi dưỡng, gây tắc nghẽn khí huyết, làm tăng nguy cơ bị chuột rút, đau khớp cổ chân, bong gân. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây ra bệnh thấp khớp và thậm chí là viêm khớp dạng thấp.
Hiện nay, thời tiết đang vào mùa đông, nhiệt độ ngày càng lạnh, dễ khiến khớp bị tổn thương và gây viêm khớp. Các mạch máu ở cổ chân tương đối dày đặc, một khi không khí lạnh xâm nhập sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu bình thường, có thể gây tê cóng, bầm tím cục bộ, ngứa, loét và các triệu chứng khác.
Cổ chân rất dễ bị nhiễm lạnh, đồng thời dễ gây viêm khớp.
Đối với phụ nữ, nếu thường xuyên mặc quần hở cổ chân sẽ khiến hơi lạnh xâm nhập vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tử cung, tử cung bị nhiễm lạnh có thể khiến tình trạng đau bụng kinh ngày càng nghiêm trọng hơn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự bài tiết máu kinh. Hiện nay, nhiều phụ nữ bị hiếm muộn, đau bụng kinh, u xơ tử cung… đều liên quan đến lạnh. Vì vậy, phụ nữ nên mặc quần dài và đi tất để bảo vệ cổ chân.
Tránh lạnh chân, cần làm đúng những điểm này
1. Tập trung vào việc giữ ấm
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp nên lúc này cần đặc biệt chú ý việc giữ ấm, đặc biệt là giữ ấm vùng chân. Cố gắng ít mặc váy ngắn, quần lửng, nên mặc quần dài và đi tất để không lộ cổ chân. Những người thường xuyên phải ngồi văn phòng cũng có thể quấn miếng đệm đầu gối và dùng bình nước nóng, các loại dụng cụ ủ ấm để tránh hơi lạnh xâm nhập vào cơ thể.
2. Ngâm chân nước ấm
Ngâm chân nước ấm để tránh chân bị nhiễm lạnh.
Ngâm chân bằng nước ấm là lựa chọn hàng đầu vừa đơn giản lại hiệu quả. Ngâm chân với nước ngập dưới mắt cá chân, để cổ chân ở trong môi trường ấm áp, có thể cải thiện tuần hoàn máu của bàn chân.
Đối với những người bị viêm khớp thì nên dùng loại cao ngâm chân, có thể đắp lên vùng bắp chân. Cho ngải cứu, gừng hoặc tiêu vào nước ngâm chân, bởi chúng có tác dụng xua tan cảm lạnh. Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nhất định phải ngâm chân mỗi tối để loại bỏ lạnh trong người, đồng thời còn có thể khai thông phế khí, thông huyết toàn thân, rất hiệu quả trong việc làm giảm các chứng phong thấp nặng thêm khi mùa lạnh. Thời gian ngâm chân nói chung là khoảng 20 phút, có thể chế thêm nước ấm trong quá trình ngâm chân.
3. Tập thể dục
Các bài tập chân như đi bộ bằng gót chân, sau đó đến các ngón chân và xoay bàn chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại có thể giúp cải thiện lưu thông máu và làm ấm bàn chân. Trong một nghiên cứu, người ta phát hiện tập chân với ván giậm nhảy có thể làm tăng nhiệt độ bàn chân lên 6 độ C so với tập thể dục bằng máy Ergometer. Vì vậy, tập thể dục thường xuyên là điều cần thiết để giữ ấm cho đôi chân, đặc biệt là trong mùa đông.
(Nguồn: QQ)