Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp đã giúp người phụ nữ này có đủ tự tin để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Mila Clarke Buckley được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lúc 24 tuổi. Vào thời điểm đó, cô gái trẻ này có thói quen tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh và những thực phẩm chế biến sẵn. Sau khi nhận được chẩn đoán, Mila biết bản thân phải thực hiện một vài thay đổi để tránh >sức khỏe ngày càng xuống dốc. Chuyên gia >dinh dưỡng đã khuyên cô tiêu thụ nhiều rau hơn, hạn chế thực phẩm chứa carb và cân bằng chế độ ăn uống.
Mila hiện 31 tuổi và là người sáng lập blog thực phẩm nổi tiếng Hangry Woman vào năm 2016. Tại đây, cô chia sẻ các công thức nấu ăn và mẹo kiểm soát bệnh tiểu đường với những người gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ này về hành trình chiến đấu với bệnh tật và thay đổi bản thân:
Hiện tượng bất thường
Vào năm 2016, tôi đã tốt nghiệp đại học và đang làm quản lý mạng xã hội cho một tổ chức phi lợi nhuận. Mọi chuyện bắt đầu khi tôi thường xuyên khát nước, uống cả lít nước nhưng vẫn cảm thấy khô họng. Mỗi khi tôi thức dậy, người lại đẫm mồ hôi ngay cả khi trời lạnh. Đồng thời, cân nặng cũng giảm đáng kể trong 6 tuần dù không thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen tập luyện. Điều này thực sự khiến tôi lo lắng và cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Tôi đến gặp bác sĩ nhưng thay vì đưa ra lời khuyên, ông ấy lại cho rằng việc giảm cân là điều “thật tuyệt vời”. Vào thời điểm đó, tôi đã phớt lờ các triệu chứng vì nghĩ mình chỉ bị mệt mỏi do công việc. Vài tuần sau, mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, những cơn khát và hiện tượng đổ mồ hôi, mệt mỏi vẫn tiếp tục xuất hiện.
Lần này, tôi quyết định đến gặp bác sĩ để nhấn mạnh các triệu chứng chuyển biến nghiêm trọng hơn và cản trở cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng, sự kiên trì đã thuyết phục ông ấy đưa tôi đi xét nghiệm để xác định lượng đường huyết trung bình trong thời gian qua.
Đi tìm câu trả lời
Sau 2 tháng tôi phải vật lộn với những triệu chứng khó chịu, xét nghiệm cuối cùng đã cho thấy câu trả lời. Tôi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 và tìm ra lời giải về những hiện tượng bất thường xuất hiện trong thời gian qua. Không chỉ cảm thấy mệt mỏi và khát nước, người gặp phải vấn đề sức khỏe này còn bị sụt cân bất thường và đổ mồ hôi về đêm do lượng đường trong máu tăng cao.
Vào thời điểm đó, công việc của tôi rất bận rộn nên thường xuyên phải mua thức ăn tại cửa hàng tiện lợi. Thói quen ăn uống này đã khiến lượng đường trong máu của tôi tăng không phanh, gây ra một loạt các triệu chứng bất thường.
Bác sĩ nói cho tôi về kế hoạch điều trị, bao gồm việc thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và sử dụng thuốc. Dựa trên những gì ông ấy nói, tôi phải thay đổi cách ăn uống của mình. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi thất vọng vì bác sĩ không đưa ra lời khuyên cụ thể để làm được điều này. Không nhiều người ở độ tuổi của tôi mắc tiểu đường tuýp 2. Tôi phải tự tìm hiểu rất nhiều thứ để tự chăm sóc bản thân khi sống chung với vấn đề sức khỏe này.
Chiến đấu với bệnh tiểu đường
Lúc đầu, lượng đường trong máu vẫn ở mức cao do tôi tiếp tục dùng những món ăn nhanh. Tình trạng này có thể sẽ không bao giờ được kiểm soát. Cuối cùng, tôi quyết định thay đổi bằng cách tập trung vào những thứ bản thân có khả năng thực hiện.
Tất cả bắt đầu với việc tự nấu ăn tại nhà. Gia đình tôi là người Jamaica và có thói quen ăn cơm, thịt bò, các món hầm. Một chuyên gia dinh dưỡng khuyên tôi không nên tiêu thụ nhiều thực phẩm này vì chúng không lành mạnh, có thể chứa nhiều tinh bột, muối và chất béo bão hòa. Tôi khá buồn vì đây đều là những món yêu thích của tôi.
Tôi bắt đầu đeo máy theo dõi lượng đường trong máu mọi lúc mọi nơi. Việc làm này cho phép tôi xem những loại thực phẩm nào khiến đường huyết tăng nhanh hoặc duy trì ở mức cao suốt cả ngày. Nhìn chung, căn bệnh này khiến tôi phải tự tìm hiểu món nào nên và không nên ăn. Kể từ đó, các loại rau xanh như súp lơ xanh, đậu và rau họ cải trở thành những loại thực phẩm có mặt hầu hết trong các bữa ăn của tôi.
Nấu ăn tại nhà dần trở thành thói quen hàng ngày. Tôi không muốn loại bỏ món pizza yêu thích nên đã tự làm chúng bằng những nguyên liệu lành mạnh. Lớp vỏ bánh thậm chí còn được làm bằng súp lơ hoặc thịt gà. Đôi khi tôi sử dụng pho mát ít béo, tách béo thay cho loại chứa toàn chất béo. Món pizza của tôi cũng được thêm nhiều rau xanh, cà chua để tăng chất xơ và hương vị.
Mọi người xung quanh đã hết sức ủng hộ khi tôi chia sẻ món ăn mới làm trên Facebook. Một người bạn khuyên tôi lập ra một blog riêng để ghi lại những món đã nấu và dễ dàng chia sẻ với người quan tâm. Cuối cùng, trang blog về thực phẩm Hangry Woman ra đời, đánh dấu bước khởi đầu trong việc thay đổi chế độ ăn uống của tôi.
Lượng đường trong máu đã trở nên ổn định hơn khi tôi tự nấu ăn tại nhà. Hiện tại tôi cảm thấy tự tin bản thân có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường. Dù có những dấu hiệu tích cực, bác sĩ vẫn cho rằng chỉ số của tôi ở mức cao. Vào tháng 8 năm 2020, tôi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA), một dạng tiểu đường có đặc điểm giống với tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Kể từ đó, tôi phải biết cách cân bằng lượng tinh bột hấp thụ trong mỗi bữa ăn với insulin nạp vào cơ thể. Mọi thứ không hề thay đổi trừ việc tôi cần dùng một loại thuốc mới để điều chỉnh lượng đường huyết.
Với tôi, bệnh tiểu đường không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Bạn hoàn toàn có thể vừa kiểm soát được vấn đề sức khỏe này vừa thưởng thức những loại thực phẩm mình thích.
(Nguồn: Self)