Hệ miễn dịch của một số người chưa từng mắc Covid-19 lại có dấu vết của mầm bệnh - nhờ đó giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu người đó thực sự bị nhiễm sau này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 29/7, sau khi các nhà khoa học phát hiện, 35% trong tổng số 68 mẫu máu của người trưởng thành khỏe mạnh tại Đức chưa từng nhiễm Covid-19 có sẵn tế bào T phản ứng với virus.
Tế bào T là một phần của hệ miễn dịch và giúp cơ thể khỏi sự nhiễm bệnh. Phản ứng của tế bào T cho thấy hệ miễn dịch đã có kinh nghiệm chống lại sự xâm nhập tương tự và giờ dùng trí nhớ này để chống lại sự xâm nhập mới.
Vậy làm sao mà hệ miễn dịch của những người trong thí nghiệm trên lại có phản ứng của tế bào T khi mà họ chưa từng bị Covid-19?
Theo các nhà khoa học đến từ Đức và Anh, họ có thể đã nhiễm một loại virus corona đặc hữu khác. Việc sử dụng trí nhớ của tế bào T từ lần phản ứng trước để chống lại virus mới được gọi là hiện tượng “phản ứng chéo”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải nghiên cứu thêm để xác định tác động của loại tế bài này đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19,
Tiến sĩ Amesh Adalja - học giả lâu năm tại Trung tâm An ninh Sức khỏe, ĐH John Hopkins - cho biết: “Nghiên cứu này đã cho thấy có một lượng người đáng kể sở hữu khả năng miễn dịch với chủng virus corona hiện tại nhờ phản ứng chéo của tế bào T từ những lần mắc các chủng virus corona trước đó. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là vai trò của tế bào T là gì?”
Ông cũng nói thêm: “Rõ ràng là sự có mặt của tế bào T không thể giúp mọi người tránh hoàn toàn Covid-19, nhưng liệu nó có thể làm mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân không? Đây chính là điều có thể xảy ra”.
Cho đến hiện tại, khoa học mới chỉ tập trung vào nghiên cứu kháng thể Covid-19 và vai trò của chúng trong việc xây dựng hệ miễn dịch nhằm chống lại căn bệnh này. Dù vậy, Tiến sĩ William Schaffner - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và y học dự phòng tại Đại học Y Vanderbilt (Mỹ) - khuyên mọi người không nên xem nhẹ tế bào T.
“Điều này không có gì ngạc nhiên cả vì các loại virus corona giống như các thành viên trong gia đình vậy. Giờ chúng ta phải xem liệu nó có giúp cho bệnh nhân Covid-19 đỡ hơn hay nặng lên? Liệu nó có giúp ích gì cho việc phát triển vắc-xin hay không?”, ông nói.
Tiến sĩ Adalja bổ sung rằng ông không quá ngạc nhiên khi thấy phản ứng chéo của tế bào T trong mẫu máu của những người chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
“SARS-CoV-2 là loại virus corona thứ bảy mà con người phát hiện ra. Bốn trong số các loại virus corona đó gây bệnh trong cộng đồng, chiếm 25% các bệnh cảm cúm thông thường”, ông cho biết. “Hầu hết mọi người trên thế giới đều từng tiếp xúc với một loại virus corona nào đó, và vì chúng là thành viên trong một gia đình, hiện tượng phản ứng chéo sẽ diễn ra.”
Đây không phải là nghiên cứu duy nhất tìm thấy kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong số những người chưa từng mắc Covid-19.
Trong báo cáo đăng tải trên tạp chí Nature đầu tháng 7, hai nhà nghiên cứu đến từ Đại học California - Alessandro Sette và Shane Crotty - đã viết: “20-50% số người hiến máu chưa từng mắc Covid-19 phản ứng đáng kể đối với các kháng nguyên virus SARS-CoV-2”.
Tuy nhiên, họ lưu cũng lưu ý rằng nguồn gốc và mức độ phản ứng lâm sàng của những kháng thể trên vẫn chưa được xác định rõ.