Điều đáng sợ nhất có thể xảy ra do lưỡi bẩn chính là căn bệnh tế nhị mà nhiều người e ngại: hôi miệng.
Tôi khá là chỉn chu trong việc vệ sinh răng miệng. Tôi đánh răng 2 lần/ngày và ngày nào cũng vậy. Tôi cũng tuân thủ nghiêm ngặt khuyến nghị của chuyên gia khi đánh răng đủ 2 phút/lần.
Nhưng mãi tới gần đây, tôi – cô nàng chải răng 2 phút/lần - nhận ra mình vẫn bị thiếu mất một thành tố quan trọng trong lịch trình vệ sinh răng miệng: Tôi không làm sạch lưỡi. Hóa ra, chà hay chải lưỡi có thể giúp bạn loại bỏ những vi khuẩn kinh khủng gây hơi thở nặng mùi.
Dù Hiệp hội Nha khoa Mỹ cho biết, không nhất thiết phải chải lưỡi để có được >sức khỏe răng miệng tốt tương tự cách chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa, nhưng một số bằng chứng khoa học lại chứng tỏ rằng, nó giúp điều trị chứng hơi thở bốc mùi. Nói cách khác, chải lưỡi làm cho miệng bạn có cảm giác thực sự sạch. Và dưới đây là những điều liên quan đến vấn đề này mà bạn cần quan tâm:
1. Miệng bạn đầy vi khuẩn nhưng tự bản thân nó không phải là vấn đề. Trên thực tế, đó là điều tốt cho sức khỏe răng miệng của bạn.
Vào bất cứ thời điểm nào, miệng bạn cũng có vô số vi khuẩn. Phần lớn trong số đó không gây hại. Có vẻ hoàn toàn trái ngược nhưng nhiều vi khuẩn trong miệng thực sự bảo vệ bạn khỏi bị các sinh vật ngoại lai, như các mầm bệnh, tấn công.
2. Vấn đề nằm ở chỗ dù phần lớn vi khuẩn trong miệng đều có vai trò của riêng mình, đôi khi, chúng làm cho hơi thở không được ổn cho lắm.
Rất nhiều vi khuẩn sống trong miệng bạn là kỵ khí. Điều này nghĩa là chúng không cần oxy mới sống được. Những vi khuẩn kỵ khí - bao gồm các loại trong miệng - có thể sản sinh ra nhiều sản phẩm phụ, bao gồm hợp chất sulfur - thứ gây mùi chả khác gì rác thải.
Mức độ hôi thối mà hợp chất sulfur có thể tạo ra như thế nào sẽ có sự khác biệt nhất định. Ví dụ, nếu bạn mới ăn thì hơi thở nặng mùi sẽ ở mức "đậm đặc" hơn bởi vi khuẩn kỵ khí có thể "ăn" những phần cặn bã của thực phẩm, phân giải chúng và giải phóng ra thứ hợp chất sulfur chẳng mấy dễ chịu.
Miệng khô cũng có thể làm hơi thở trở nên nặng mùi hơn. Điều này xảy ra nếu bạn bị mất nước hoặc bị mắc chứng khô miệng. Nước bọt có tác dụng trung hòa axit do vi khuẩn và hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Do đó, khi cơ thể không được đảm bảo đủ nước, lượng nước bọt tiết ra ít thì vi khuẩn có khả năng gây ra nhiều mùi khó chịu hơn.
Vi khuẩn khiến hơi thở nặng mùi thường không gây hại gì khác hoặc khiến bạn bị mắc bệnh. Nhưng đôi khi, hơi thở nặng mùi có thể đồng nghĩa với việc bạn bị một bệnh nhiễm trùng nào đó, như bệnh nướu lợi hay còn có tên viêm nha chu (periodontitis). Nếu hơi thở bốc mùi đi kèm các triệu chứng sưng lợi, chảy máu lợi, răng lung lay hay đau khi nhai, bạn nên đi khám nha sĩ.
3. Cách làm sạch lưỡi chuẩn là như thế nào?
Làm sạch lưỡi thực sự rất dễ. Vera Tang, nha sĩ ở New York chia sẻ, bạn có thể sử dụng dụng cụ cạo lưỡi hoặc kem đánh răng 1-2 lần/ngày sau khi đánh răng.
Nếu bạn là người rất nhạy cảm với việc động chạm vào hầu họng, tiến sĩ Tang gợi ý nên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi bởi nó phẳng hơn và giúp bạn bớt cảm giác gây xâm lấn như bàn chải đánh răng. Trường hợp còn lại, bạn có thể dùng ngay chính chiếc bàn chải đánh răng để làm sạch lưỡi hàng ngày. Do lưỡi và răng thường xuyên chạm vào nhau, chúng "chia sẻ" với nhau rất nhiều vi khuẩn. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải dùng loại bàn chải khác để làm sạch lưỡi.
Một khi đã lựa chọn được dụng cụ thích hợp, hãy thè lưỡi ra ngoài càng xa càng tốt. Sau đó, đưa dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải đánh răng vào phía cuối lưỡi, chà từ đó trở ra ngoài. Cẩn thận để không chà quá mạnh - bạn sẽ không muốn bị xước da. Chỉ chà lưỡi thật nhẹ nhàng, sau đó, rửa sạch dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải để tránh đem những thứ cặn bã trở lại vùng cuối lưỡi rồi mới tiếp tục lần chà thứ hai.
Nếu bạn có phản ứng hầu họng nhạy cảm, có thể thử chà thật mạnh để nhằm đánh lạc hướng bản thân bạn trong quá trình làm sạch lưỡi. Bạn cũng có thể không cần phải thè lưỡi ra quá dài.
Trường hợp bạn không muốn đối mặt với lộ trình có vẻ rắc rối này, chỉ cần sử dụng dung dịch súc miệng là được. Chọn loại dung dịch súc miệng dạng mỹ phẩm - về cơ bản, chúng giúp che giấu mùi hôi hơi thở. Hoặc bạn cũng có thể chọn loại dùng để điều trị - nó thực sự có tác dụng kiểm soát vi khuẩn gây hôi miệng, sâu răng và các vấn đề vệ sinh răng miệng khác. Dung dịch súc miệng loại dùng để điều trị có thể mua tại tiệm hoặc qua kê đơn của bác sĩ.
Cho dù dùng dụng cụ cạo lưỡi hay bàn chải đánh răng để làm sạch lưỡi, hãy đảm bảo bạn không thấy bất cứ thứ gì dính lên đó sau khi xong.
Tất cả những gì bạn cần làm là rửa thật sạch dụng cụ cạo lưỡi theo cách rửa bàn chải đánh răng. Nếu bạn muốn cẩn thận hơn, có thể nhúng nó vào dung dịch súc miệng.
Bạn nên thay bàn chải đánh răng 3-4 tháng/lần. Tương tự với dụng cụ cạo lưỡi. Ngoại lệ duy nhất là nếu bạn bị ốm, dù là bị cảm hay một bệnh nhiễm trùng nào đó, bạn có thể muốn thay bàn chải/dụng cụ cạo lưỡi mới để tạo cảm giác sạch sẽ, an toàn.
Nếu bạn lo lắng liệu lưỡi đã đủ sạch hay chưa, màu sắc của lưỡi là dấu hiệu cần chú ý.
Hãy nhớ rằng, làm sạch lưỡi không có nghĩa là loại bỏ 100% vi khuẩn. Phần lớn lưỡi và miệng của mọi người đều bẩn nhưng nhìn chung là điều hoàn toàn bình thường. Dù vậy, nếu bạn muốn biết nỗ lực làm sạch lưỡi của mình đã đủ hay chưa, hãy kiểm tra lưỡi với một chiếc gương. Lưỡi khỏe khi có màu hồng hào.
Nếu lưỡi màu đen và tạo cảm giác như có nhiều lông tơ, màu trắng hay bất cứ màu sắc nào khác ngoài màu hồng, có thể vẫn còn chất thải/cặn bã của thực phẩm trên lưỡi. Khi đó, bạn chỉ cần sử dụng phương pháp trên để làm sạch. Đi khám nha sĩ nếu tình trạng lưỡi mờ hay có màu bất thường vẫn tiếp diễn, dù bạn luôn chăm chỉ đánh răng, chải lưỡi.
Bạn có thể đánh răng, chải lưỡi hàng ngày hoặc chỉ chải lưỡi khi phát hiện có màu sắc lạ, miệng mạng gây cảm giác bẩn hơn một chút so với thường lệ. Lưỡi của bạn (và những người tiếp xúc với bạn) sẽ biết ơn bạn vì điều đó.