Có rất nhiều lý do là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thèm ăn bất kể mọi nơi, và trong số đó, có một số nguyên nhân sẽ khiến bạn bất ngờ.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy thèm ăn, mặc dù đã ăn uống đủ các bữa trong ngày thì nhiều khả năng, nguyên nhân có thể là do một số vấn đề >sức khỏe sau đây.
Gặp căng thẳng thường xuyên
Khi cảm thấy tinh thần quá căng thẳng, mệt mỏi do công việc hay học tập gây ra thì nhiều người sẽ tìm đến đồ ăn để giải tỏa. Hormone cortisol (căng thẳng) sẽ khiến cơ thể của bạn thèm ăn nhiều hơn, nhưng khi đã nạp đồ ăn rồi lại vẫn chưa thấy đủ. Lúc này, thay vì tìm đến những món đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, đường ngọt thì bạn nên uống thêm nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây... để cải thiện tình trạng này.
Mắc bệnh cường giáp
Tuyến giáp nằm ở dưới vùng yết hầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, trong quá trình trao đổi chất, nếu tuyến giáp gặp vấn đề thì bạn sẽ có cảm giác thèm ăn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy ăn rất nhiều mà cân nặng vẫn không thay đổi thì đó là một dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh cường giáp. Bên cạnh đó, bạn còn có thể gặp phải một số dấu hiệu của bệnh cường giáp như mệt mỏi, buồn bực, móng tay giòn, rụng tóc...
Béo phì
Việc ăn uống theo cảm xúc thất thường chính là một trong những nguyên nhân điển hình gây tăng cân, từ đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Lượng chất béo dư thừa ở những người béo phì dễ khiến nồng độ insulin tăng cao, đồng thời khiến cảm giác thèm ăn cũng tăng lên. Mặt khác, các tế bào mỡ cũng khiến cơ thể không còn cảm giác no do hormone leptin không sản sinh ra nhiều.
Tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 đều sẽ bị rối loạn lượng đường trong cơ thể, từ đó gây ra cảm giác đói và muốn nạp đồ ăn. Nếu mức đường trong máu quá thấp thì tình trạng thèm ăn sẽ xuất hiện, nhưng ăn quá mức lại vô tình khiến sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ hơn. Vậy nên, cho dù bạn luôn cảm thấy đói thì vẫn nên cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu ổn định với những loại thực phẩm lành mạnh, đồng thời tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều carbs.
Cơ thể mất nước
Mỗi ngày, cơ thể của chúng ta cần được tiêu thụ đủ từ 2 - 2,5 lít nước. Do đó, nếu trong ngày mà bạn không bổ sung đủ nước cho cơ thể thì các độc tố sẽ không đào thải ra ngoài và khiến bạn có cảm giác đói vặt. Cần lưu ý nữa là nên uống nước lọc, tránh uống nước có đường vì điều này sẽ khiến não bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng thèm ăn.