Một loại củ khá quen thuộc trong gian bếp gia đình, tuy nhỏ nhưng chứa một lượng dinh dưỡng ít ai ngờ.
Gừng là một loại củ quen thuộc có tính ấm nóng đem lại tác dụng chữa cảm lạnh, sốt tuyệt vời với củ >gừng tươi, đặc biệt khi dùng cùng nước ấm sẽ tác dụng làm giãn mao mạch, đẩy nhanh quá trình tiết mồ hôi, hỗ trợ tuần hoàn máu. Vì thế khi thời tiết lạnh, sử dụng gừng tươi sẽ giúp làm ấm cơ thể, ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp gây bệnh.
Chia sẻ trên Phụ nữ và Pháp Luật: BSCK II Nguyễn Thu Thủy, trưởng khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội) cho biết, gừng có nhiều ở Việt Nam, dùng để kết hợp chế biến món ăn và làm thuốc hỗ trợ điều trị, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Gừng khi sử dụng rất an toàn với >sức khỏe, vì loại củ này dường như không dùng đến chất kích thích, phun thuốc trừ sâu hay thuốc bảo quản.
Theo bác sĩ Thu Thủy, trong cuộc sống mọi người không sử dụng gừng thường xuyên, đa số chỉ dùng để làm gia vị chế biến món ăn là chính. Vị bác sĩ này khuyên, mọi người hãy sử dụng gừng hàng ngày, với nhiều cách khác nhau chứ không chỉ kết hợp trong chế biến thực phẩm.
“Mỗi ngày mọi người hãy dùng khoảng 3 lát gừng tươi, tương đương khoảng 7-10g sẽ rất tốt cho sức khỏe. Gừng không chỉ dùng để ướp bò hay rang thịt gà, mà có thể dùng kết hợp nấu các loại canh, làm nước uống, ngâm chân, xoa bóp. Điều quan trọng nhất là hãy sử dụng mỗi ngày, nhưng không quá lạm dụng”, bác sĩ Thủy khuyên.
Khi sử dụng gừng, bác sĩ Thủy tư vấn, mọi người hãy ngâm và rửa sạch các tạp chất bên ngoài, nên dùng cả vỏ là tốt nhất. Khi sơ chế, có thể cắt lát nếu làm trà gừng, nhưng nếu làm gia vị, ngâm chân, xoa bóp nên đập dập để có nhiều tinh dầu hơn. Nếu dùng để uống nên dùng vào buổi sáng, còn dùng để ngâm chân thực hiện vào buổi tối.
Một số công dụng bất ngờ từ gừng
Chữa chướng bụng và đầy hơi
Bởi có tính nóng, ấm đặc trưng nên gừng tốt cho tiêu hóa, nhất là với những người bị chướng bụng đầy hơi. Nếu gặp phải tình trạng này, hãy đập dập gừng, pha cùng với nước nóng và uống khi còn ấm sẽ giúp giảm đầy bụng, kích thích và hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giải phóng khí bị mắc kẹt trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng khoảng 3 lát kèm vỏ không nên dùng quá nhiều, vì gừng có tính nóng dễ gây kích ứng dạ dày.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Vốn là thảo dược có chứa chất chống oxy hóa, gừng giúp giảm hình thành mảng bám trong động mạch do cholesterol cao. Điều này có thể ngăn ngừa cục máu đông và giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.
Không những vậy, gừng có thể giúp hỗ trợ giảm huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ đối với các bệnh tim mạch. Loại củ này còn có thể hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và thư giãn các cơ xung quanh mạch máu. Làm giảm huyết áp chung trên toàn cơ thể.
Giúp lưu thông máu
Sử dụng gừng để xoa bóp, ngâm chân sẽ rất tốt cho xương khớp, giúp lưu thông máu, đả thông kinh mạch giúp ngủ ngon hơn. Ngoài ra, gừng được biết là có đặc tính chống viêm mạnh, giúp hỗ trợ giảm đau liên quan đến viêm khớp.
Tăng cường miễn dịch cho cơ thể
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, gừng giúp làm giảm triệu chứng cảm cúm, nhất là do các tác nhân do virus, vi khuẩn gây nên. Trong gừng có nhiều tinh dầu, có đặc tính kháng virus, chống viêm rất tốt khi sử dụng.
Gừng rất giàu giá trị >dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật. Để tăng cường miễn dịch, hãy ăn hoặc uống một chút nước gừng vào buổi sáng để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, sát khuẩn vùng hầu họng nơi có nhiều virus, vi khuẩn trú ngụ.
Muốn có sức khỏe tốt bạn nên sử dụng loại củ này thường xuyên và chỉ nên dùng đúng liều lượng thôi nhé!