Lột, tróc da tay là một trong những hiện tượng khá phổ biến, thường gặp nhiều ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước và hóa chất tẩy rửa mạnh. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng bị tróc da tay? lột da tay chân là thiếu chất gì?

Thu Hiền 21:44 02/02/2020

Những yếu tố gây tróc da tay

Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tróc da tay là do bị ảnh hưởng của các loại hóa chất có chứa trong các sản phẩm tẩy rửa như: nước rửa chén, bột giặt đồ hoặc những hóa phẩm khác. Điều này sẽ khắc phục được bằng nhiều cách. Song nếu hiện tượng bị bong tróc da tay không được cải thiện hoặc trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn sau khi đã cố gắng áp dụng nhiều phương pháp thì hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán và tìm cách điều trị bệnh. Những nguyên nhân gây ra tróc da tay, chân thường gặp đó là:

Ảnh hưởng của môi trường

Môi trường là một trong những yếu tố bên ngoài tác động mà bạn đôi khi không thể kiểm soát như: khí hậu, thời tiết, không khí… Môi trường sẽ tác động trực tiếp đến da tổng thể cũng như làn da tay của con người, gây ra nhiều vấn đề liên quan đến hiện tượng bị bong tróc da tay. Một trong số đó có thể kể đến là tình trạng khô da.

Môi trường là một trong những yếu tố bên ngoài tác động gây tróc da tay - Ảnh minh họa: Internet

Thông thường, làn da khô sẽ là nguyên nhân thường gặp khiến da trên các đầu ngón tay bị tróc, lột da. Tình trạng này sẽ phổ biến hơn vào mùa đông. Nếu thường xuyên tắm với nước nóng hoặc dùng những loại xà phòng có chứa các hoạt chất tẩy rửa, có thể sẽ làm tăng khả năng bị khô da. Những dấu hiệu khác có thể bao gồm: ngứa, nứt nẻ da ở các đầu ngón tay, da bị căng khó chịu.

Để khắc phục tình trạng tróc da tay có liên quan đến khô da, hãy sử dụng các loại xà phòng có chứa hoạt chất dịu nhẹ khi tắm hoặc khi làm vệ sinh nhà cửa. Sau đó, dùng kem dưỡng ẩm cho da tay. Không nên tắm hay rửa tay với nước nóng.

Rửa tay thường xuyên

Việc rửa tay thường xuyên sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của làn da tay. Điều này làm cho các thành phần hóa chất chứa trong các loại xà phòng có tác động trực tiếp đến lớp da nhạy cảm, khiến da bị kích ứng, bong tróc.

Rửa tay thường xuyên sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của làn da tay - Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng sản phẩm có hóa chất mạnh

Một số hóa chất được thêm vào sản phẩm dưỡng da như kem dưỡng ẩm, sữa tắm, dầu gội đầu và các mỹ phẩm khác có thể gây ra kích ứng da và làm tróc da tay.

Cháy nắng

Việc thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể sẽ khiến làn da bị kích ứng, tổn thương. Khi đó, da sẽ có dấu hiệu chuyển sang màu đỏ, hồng. Vài ngày sau, vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời dần chuyển sang sạm lại, bong ra. Cháy nắng sẽ khiến làn da bị khô rát, khó chịu, mất nhiều ngày sau đó để làn da hồi phục. Trong thời gian đó, chúng ta có thể làm dịu vết bỏng bằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc kem làm dịu da.

Da phản ứng với thời tiết

Trời quá nóng hoặc quá lạnh sẽ làm tăng nguy cơ bị bong tróc da tay. Khí hậu hanh khô sẽ khiến làn da dễ bị nứt nẻ, bong tróc. Để khắc phục tình trạng này, hãy áp dụng những phương pháp:

  • Dùng máy tạo độ ẩm để giúp cân bằng khí hậu ở trong nhà
  • Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm hoặc thuốc sau khi tắm
  • Mặc trang phục rộng rãi, thoáng khí
  • Tránh tắm nước nóng.

Tình trạng tróc da tay có thể xảy ra bất cứ thời tiết nào trong năm. Khi bạn bị đổ nhiều mồ hôi nhiều, tiếp xúc với các hoạt chất trong kem chống nắng hay thuốc xịt côn trùng sẽ khiến làn da bị kích ứng.

Thói quen thường xuyên mút ngón tay

Nhiều người thường không hề biết rằng thói quen mút tay thường xuyên là một trong các nguyên nhân gây tình trạng tróc da trên các đầu ngón tay. Nếu bạn vẫn đang duy trì thói quen này, cần phải từ bỏ để không khiến da tay bị bong tróc cũng như gây ra những bệnh lý liên quan đến thói quen vệ sinh bàn tay.

Nhiều người có thói quen mút tay gây tình trạng tróc da - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh liên quan đến biểu bì

Các bệnh như xơ cứng bì, vẩy nến là hai trong số những bệnh rối loạn tự miễn dịch có ảnh hưởng đến làn da, gây bong tróc trên các đầu ngón tay, bàn tay. Bệnh Kawasaki cũng là một trong những bệnh gây lột da tay, tình trạng này gặp nhiều ở trẻ em độ tuổi từ 5 tuổi trở xuống. Nhiễm nấm, phản ứng dị ứng là nguyên nhân làm ngứa, gây lột da ngón tay.

Cơ thể thiếu chất

Việc mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể, đặc biệt là sự thiếu hụt một số khoáng chất >dinh dưỡng cho làn da có thể khiến lột da ngón tay. Cách tốt nhất là nên xây dựng một độ ăn uống cân bằng, dùng vitamin nhiều ngày.

Sự thiếu hụt một số khoáng chất dinh dưỡng cho làn da có thể khiến lột da ngón tay - Ảnh minh họa: Internet

Bị chàm da tay

Chàm da tay sẽ xuất hiện dưới dạng da đỏ, ngứa, bong vẩy. Người bị chàm, cần phải mang bao tay khi đi ra ngoài trời và lúc sử dụng những chất tẩy rửa, sinh hoạt hàng ngày.

Cách chữa lột da tay

Hiện tượng da tay, chân bị tróc, nứt nẻ mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Tuy đây là căn bệnh khá phổ biến nhưng không hẳn là không có cách trị lột da tay tại nhà. Dưới đây là một vài mẹo hay giúp bạn có thể lấy lại vẻ mềm mại cho làn da tay cũng như ngăn ngừa tái phát.

Sử dụng nước muối

Dùng một ít muối trắng đặt ở giữa lòng bàn tay, sau đó chà nhẹ vào các vị trí bị bong tróc, nắm tay lại trong vài phút. Tiếp đó, ngâm bàn tay vào trong nước muối pha loãng trong 5 phút. Thực hiện phương pháp này vào buổi sáng tối mỗi ngày, bạn sẽ thấy làn da được cải thiện đáng kể.

Gừng

Thái củ gừng thành từng lát mỏng và thả vào trong một bát nước ấm. Sau đó, lấy gừng chà xát vào bàn tay kết hợp với ngâm tay vào trong bát nước đã được ngâm gừng trước đó. Thực hiện khoảng 2 - 4 lần/ngày từ 10 - 15 ngày sẽ nhận thấy kết quả rõ rệt.

Rượu gừng

Ngâm gừng tươi vào rượu khoảng 1 ngày, sau đó thoa lên vùng da đang bị bong tróc và để khoảng 10 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Làm tiếp tục như vậy khoảng 1 - 2 lần/ngày sẽ mang hiệu quả tốt cho làn da tay.

Thoa rượu dừng lên vùng da đang bị bong tróc giúp hạn chế lột da tay - Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng hoa quả tươi

Những vùng da đang có dấu hiệu bị bong tróc nên rửa sạch và lau khô. Sau đó dùng các loại hoa quả có chứa vitamin C như cam, quýt...và chà xát vào những vị trí da bị ảnh hưởng. Vitamin C trong các loại trái cây sẽ có tác dụng vào da, giúp cho làn da mềm mại, mịn màng, đánh bay những vị trí da khô, bong tróc khó chịu.

Giấm gạo

Rửa sạch da tay sau đó cho thêm một chút giấm vào trong lòng bàn tay, chà nhẹ cho đến khi thấy giấm ngấm đều vào da tay. Để đạt được hiệu quả, bạn không nên rửa tay ngay sau khi làm sạch với giấm. Áp dụng biện pháp này khoảng 3 -4 lần/tuần, thực hiện trước khi đi ngủ khoảng 1 - 2 tuần sẽ mang lại hiệu quả.

Thực hiện thoa giấm gạo lên da tay trước khi đi ngủ khoảng 1 - 2 tuần sẽ mang lại hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Tránh xa sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh

Những người đang gặp >hiện tượng tróc da tay tuyệt đối không nên tiếp xúc trực tiếp với những thứ có chứa chất kiềm như xà phòng, dầu gội, nước rửa chén vì nó gây ra những ảnh hưởng không tốt đến những vị trí da bong tróc, khiến da lâu lành hơn. Hãy dùng găng tay như một biện pháp để bảo vệ làn da khi phải tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa đó.

Trên đây là một vài thông tin về hiện tượng tróc da tay cũng như cách phòng ngừa. Hy vọng, với những thông tin này có thể giúp ít cho bạn trong việc chăm sóc làn da tay, tránh những hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến >sức khỏe cũng như tính thẩm mỹ ngoại hình.

Thu Hiền | Theo Phụ nữ sức khỏe