Để giảm tình trạng đau dạ dày kinh niên, ngoài việc điều trị bằng thuốc ông Trương đã thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt của mình.
Khi điều trị bệnh dạ dày, yếu tố quan trọng nhất chính là sự kiên trì, bởi chỉ khi tuân thủ nghiêm ngặt thói quen ăn uống, bệnh tình mới dần thuyên giảm được.
Ông Trương (73 tuổi) ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc gần đây được gia đình đưa tới bệnh viện khám >sức khỏe định kỳ. Qua kiểm tra, bác sĩ nhận xét ông Trương có sức khỏe tốt, chưa phát hiện dấu hiệu bệnh tật nào đáng lo ngại. Khi tái khám dạ dày, bác sĩ bất ngờ khi thấy dạ dày của ông rất khỏe mạnh, không còn dấu hiệu viêm loét hay bất kỳ tổn thương nào trong quá khứ. Bác sĩ ước chừng dạ dày ông Trương giống như những người ở tuổi 50. Khi nghe điều này, ông Trương cảm thấy rất vui và tin rằng có lẽ liên quan đến chế độ ăn uống bản thân thay đổi trong thời gian qua.
Được biết, khi còn trẻ ông Trương là người hiếm khi để ý tới những gì mình ăn, chỉ quan tâm đến đồ ăn ngon. Sau đó, ông nhập viện vì bị viêm loét dạ dày, sau một thời gian điều trị tích cực, bệnh tình thuyên giảm rất nhiều. Sau đó, ông tình cờ đọc một bài viết nói về tình trạng dạ dày có liên quan mật thiết tới sức khỏe toàn bộ cơ thể.
Trong quá trình tìm cách cải thiện và bồi bổ dạ dày, ông Trương cũng đã thử ăn cháo hạt kê nhưng không thấy có hiệu quả. Sau nửa năm kiên trì tìm hiểu và áp dụng 3 phương pháp sau đây, bệnh dạ dày của ông đã được chữa khỏi hoàn toàn và rất khỏe mạnh.
3 thói quen được ông Trương duy trì trong nửa năm
1. Sau bữa ăn nửa tiếng, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh đòi hỏi mỗi người phải dành thời gian kiên trì tập thể dục mỗi ngày. Đặc biệt, việc tập thể dục sau khi ăn no mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nó có thể giúp giảm áp lực đường tiêu hóa, cải thiện nhu động ruột…
Một số người có thói quen tập thể dục ngay sau khi vừa ăn no nhưng điều này rất gây hại cho đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, trào ngược dạ dày, buồn nôn, đau thắt bụng…
Muốn nuôi dưỡng dạ dày đúng cách, sau bữa ăn nửa tiếng có thể thực hiện một số động tác nhẹ nhàng.
2. Tiêu thụ rau củ, trái cây mỗi ngày
Rau củ và trái cây rất giàu chất xơ và vitamin, giúp đường tiêu hóa loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể và những kim loại nặng ra ngoài. Khi các chất độc hại được thải ra ngoài sớm, nó sẽ làm giảm bớt các gánh nặng về đường tiêu hóa.
Tùy theo mức độ đau dạ dày mà cần chọn trái cây phù hợp.
Bác sĩ Trần Yên thuộc khoa Lá lách và Dạ dày của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc cho biết: "Nếu ở giai đoạn cấp tính của bệnh viêm hoặc bị trào ngược axit dạ dày, tốt nhất không nên ăn trái cây quá chua hoặc quá ngọt. Ngược lại, nếu đó là bệnh viêm teo dạ dày do thiếu axit dịch vị, biểu hiện thường thấy như ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, việc tiêu thụ các loại trái cây có tính chua ngọt rất cần thiết".
Một số loại trái cây có tác dụng nuôi dưỡng dạ dày như: đu đủ, lựu, nho, chuối, xào, táo… Bên cạnh đó, những người có tiền sử đau dạ dày cần tránh các loại quả như hồng, kiwi, táo tàu… Tùy theo thể trạng của từng người và loại bệnh dạ dày, người ăn nên chọn loại trái cây phù hợp với cơ thể.
3. Tránh thức ăn có tính kích thích
Các loại gia vị cay nồng tuy mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn nhưng nó sẽ làm tăng lượng axit trong dạ dày, khiến tình trạng viêm trở nên nặng hơn. Hơn nữa, loại thực phẩm này còn có thể gây kích ứng, khiến vết loét nghiêm trọng và lan rộng hơn. Nếu là người đang bị bệnh dạ dày, dù nhẹ hay nặng cũng cần tránh các món ăn chứa nhiều gia vị cay.
Để bảo vệ dạ dày tốt hơn, bạn cũng cần phải sắp xếp thời gian ăn uống đúng giờ, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để tránh để bụng đói hoặc ăn quá no khiến dạ dày hoạt động quá mức.