Một người phụ nữ chia sẻ câu chuyện trên TikTok về dị vật tồn tại trong mũi tới 20 năm và gần đây mới được lấy ra.
Hannah, chủ tài khoản TikTok @hannah.lham, đã chia sẻ câu chuyện khó tin khiến không ít người phải bàng hoàng. Trong video nhận được gần 8 triệu lượt xem, người phụ nữ này giải thích bản thân đã từng nhét dị vật vào mũi lúc còn nhỏ. Cô cho biết: “Khi khoảng 3 tuổi, tôi đã nhét một hạt cườm vào mũi. Tôi không nói điều này cho ai biết và sau đó nhanh chóng quên mất”.
Mọi thứ tưởng chừng không có gì đáng lo ngại cho đến khi người phụ nữ này bị viêm xoang cách đây vài tuần. Ký ức về thời bé đã quay trở lại với Hannah. Cô cảm thấy bên mũi phải bị chặn hoàn toàn bởi một thứ gì đó cực lớn, gây đau và không thể tự ra ngoài bằng cách xì mũi thông thường. Cuối cùng Hannah đã phải sử dụng một chiếc camera nội soi tai mũi họng để quan sát bên trong và phát hiện một “vật thể” màu xanh lam.
Theo người phụ nữ này: “Cuối cùng tôi cũng lấy được nó ra dù cảm thấy rất đau. Hạt cườm màu xanh đó đã ở trong mũi 20 năm mà tôi không hề hay biết”.
Phần bình luận dưới video cũng cho thấy những câu chuyện tương tự về dị vật mắc kẹt trong mũi. Một người chia sẻ: “Tôi không biết từ bao giờ con gái 8 tuổi của tôi đã nhét một hạt nhựa tròn khá lớn vào mũi. Con bé không nói với tôi hay bất kỳ ai”. Theo một người khác: “Tôi đã từng nhét một chiếc giày đồ chơi tí hon vào mũi và không thể lấy ra được”.
Tại sao dị vật có thể “biến mất” trong mũi?
Trên thực tế, không ít người đã “bỏ quên” vài thứ trong mũi và sau đó phải tìm đến sự trợ giúp y tế. Neil Bhattacharyya, bác sĩ kiêm chuyên gia về tai, mũi và họng tại Bệnh viện Mass Eye and Ear ở Boston cho biết: “Thứ phổ biến thường được lấy ra khỏi mũi của các bệnh nhân trong 25 tôi năm hành nghề là giấy và bông. Nhiều người bị nghẹt mũi đã nhét một miếng bông hoặc giấy vào mũi, để qua đêm và sau đó quên mất”.
Justin McCormick, bác sĩ khoa tai mũi họng tại Trường Y Rutgers Robert Wood Johnson giải thích, theo thời gian, hầu hết mọi người sẽ gặp phải các triệu chứng như chảy nước mũi hoặc xuất hiện dịch nhầy.
Một dấu hiệu đáng chú ý nữa cho thấy dị vật đang mắc kẹt trong mũi là mùi hôi. John Roche, bác sĩ tai mũi họng tại Trung tâm >sức khỏe Spectrum cho biết, trong vòng một tuần đến 10 ngày, mọi người sẽ bị chảy nước mũi và hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ em. Các bậc cha mẹ có xu hướng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa vì một bên mũi có mùi hôi, chảy dịch, không giống với dấu hiệu của cảm lạnh.
Một số người có thể phải vật lộn với tình trạng viêm xoang nếu dị vật ngăn chất nhầy thoát ra ngoài. Tuy nhiên, không phải người nào cũng gặp phải triệu chứng, đặc biệt là trường hợp của người phụ nữ trên. Theo bác sĩ Justin: “Để một thứ gì đó không được chú ý trong thời gian dài, chúng cần phải được đặt ở một nơi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào”.
Do đó, hạt cườm có khả năng đã nằm trong ngách mũi dưới, một trong những khu vực rộng ở mũi, hoặc ở phần trên mũi, giữa xoăn mũi và vách ngăn. Nhìn chung, điều này có thể trở nên nguy hiểm. Bác sĩ Neil giải thích, cơ thể sẽ tự tạo ra một lớp màng bao bọc các dị vật tồn tại lâu trong cơ thể và gây ra rất nhiều phản ứng viêm. Theo thời gian, chúng có thể trở thành áp xe hoặc trong trường hợp hiếm hơn sẽ gây ra hiện tượng tiêu xương trong mũi.
Cần làm gì nếu dị vật mắc kẹt trong mũi?
Kathryn Boling, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore cho biết, nếu dị vật không may mắc kẹt trong mũi, bạn có thể tự lấy chúng ra bằng cách xì mũi, bịt một bên mũi sau đó xì ra thật mạnh. Tuy nhiên, việc làm này chỉ nên áp dụng với trường hợp dị vật không gây đau.
Nếu cách trên không đem lại hiệu quả hoặc bạn bị đau, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể dễ dàng lấy chúng ra ngoài nhờ những dụng cụ chuyên dụng.
(Nguồn: Health)