Ths.BS Khổng Tiến Bình, trưởng Khoa Nội can thiệp tim mạch và hô hấp, BV Hữu Nghị Việt Đức cho biết, có nhiều bệnh nhân trẻ đến khám kết quả bị dày thành tim là 1 biến chứng do tăng huyết áp.
22 tuổi huyết áp như người già
Bệnh nhân N.V.M. 22 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội đến bệnh viện khám bệnh vì thấy người mệt, tim đập nhanh hơn. Kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị dày thành tim, đây được xem là biến chứng do tăng huyết áp nhưng không biết.
Kết quả đo huyết áp bệnh nhân có chỉ số 150/100 mghg. Bác sĩ cho biết ở độ tuổi 22 với chỉ số huyết áp như hiện tại thì bệnh nhân được xét vào tăng huyết áp.
Khi kiểm tra bác sĩ không phát hiện bệnh lý nào đi kèm. Bệnh nhân được bác sĩ cho sử dụng thuốc điều trị nội khoa. Tiền sử của bệnh nhân này quê ở Hưng Yên, từ năm học cấp 3 bệnh nhân đã được bố mẹ gửi lên Hà Nội học trường chuyên. Thực phẩm bệnh nhân ăn đều là những loại đồ hộp, đóng gói sẵn.
Bác sĩ cho rằng thói quen ăn uống như trên cũng là thủ phạm tác động rất nhiều vào bệnh lý tăng huyết áp. Ngoài chế độ ăn không khoa học, bệnh nhân tâm sự cũng chưa bao giờ tập thể dục vì bận học. Khi ra trường lại đi làm cho công ty nước ngoài đi sớm về tối. Lúc nào bệnh nhân cũng thấy bận rộn và tranh thủ ăn thực phẩm là thức ăn nhanh, bán sẵn.
Cũng 22 tuổi, một bệnh nhân khác đo huyết áp chỉ số 140 /90mghg. Bệnh nhân này được bác sĩ cho kiểm tra chuyên sâu tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp. Ở người trẻ, bác sĩ Bình cho biết có thể xác định nguyên nhân như suy thận, bệnh lý khác.
Bệnh nhân này 22 tuổi, cao 1,7 mét nhưng nặng tới 93 kg. Bệnh nhân được kết luận béo phì thừa cân. Bệnh nhân rất chủ quan sức khoẻ chưa bao giờ đi khám, gần đây có cảm giác hay hồi hộp nên đến bệnh viện kiểm tra.
Thạc sĩ Bình cho biết, những bệnh nhân trẻ như trên nếu không phát hiện được tăng huyết áp sớm thì dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là biến chứng tim mạch gây đột quỵ não, nhồi máu não, phình lóc động mạch, suy thận, suy thị lực.
Cứ 4 người trưởng thành, có 1 người tăng huyết áp
Thạc sĩ Bình cho biết cứ 4 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp chiếm 25 % và điều đáng lo ngại nhất đó là bệnh nhân không biết mình mang bệnh không được điều trị và chỉ khi biến cố xảy ra mới biết đã bị tăng huyết áp.
Trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi vào viện cấp cứu do xuất huyết não và khi vào viện người nhà cho cho biết trước đó bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không điều trị theo đơn của bác sĩ mà uống thực phẩm chức năng dẫn tới huyết áp không được kiểm soát dẫn tới biến chứng xuất huyết não. Đáng tiếc nhất, dù được cố gắng cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không thể qua khỏi.
Thạc sĩ Bình cho biết tăng huyết áp 95% là vô căn và những tường hợp này chủ yếu ở người già, trung niên. Điều bác sĩ Bình lo lắng nhất đó là lối sống của người trẻ hiện nay làm gia tăng bệnh lý này. Đặc biệt là giới trẻ thích ăn thực phẩm đóng gói sẵn, đồ ăn nhanh
Các yếu tố như uống bia rượu, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh, ít vận động, stress, béo phì… là vấn đề đang được đặt ra với giới trẻ bây giờ. Đặc biệt, với người mắc bệnh lý tăng huyết áp, cần phải giảm 30% khẩu phần ăn muối hằng ngày so với khuyến cáo.
Các bệnh nhân đến khám có tăng huyết áp đều được bác sĩ hỏi lối sống, ăn uống. Có nhiều bệnh nhân tăng huyết áp cao và cũng nói ăn nhạt nhưng khi hỏi ra thì bệnh nhân có thói quen sử dụng nước chấm và chấm đậm. Thậm chí, có người ăn bất cứ trái cây nào cũng chấm muối. Đây là thói quen vô tình đưa lượng muối thừa vào cơ thể.
Ngoài ra, ăn uống, sử dụng các loại thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn cũng chứa hàm lượng muối rất cao.
Ví dụ, đơn giản như một gói mì ăn liền trung bình chứa 4,2g muối, tương ứng 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm. Trong 100g xúc xích cũng có 1,5-2,3g muối.
Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng chỉ có 16% người dân thừa nhận bản thân ăn mặn, trong khi thực tế hơn 90% người dân ăn quá 5g muối/ngày, 20% thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, pho mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác.
Thạc sĩ Bình cho rằng giảm muối chính là cách để phòng tăng huyết áp. Những nước châu Á nổi tiếng ăn mặn trong 1 thập kỷ qua cũng đã nỗ lực giảm muối, đơn cử như Trung Quốc, giảm được gần 30% lượng muối tiêu thụ, Nhật Bản giảm 23%, Hàn Quốc giảm 14% để giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.