Thiếu hụt vitamin D có thể gây béo phì và tăng cân. Vấn đề này chỉ mới được mọi người chú trọng trong những năm gần đây.

05:20 23/06/2018

Từ lâu, >vitamin D đã được biết đến với khả năng tăng cường >sức khỏe xương và hỗ trợ hệ miễn dịch trong cơ thể. Dù vậy, thiếu hụt chất này có thể gây béo phì và tăng cân chỉ mới được mọi người chú trọng trong những năm gần đây.

Hiện nay, rất nhiều người không thể >giảm cân dù đã áp dụng chế độ ăn kiêng chặt chẽ trong một thời gian dài và tập luyện thường xuyên. Nếu bạn nằm trong nhóm người này, hãy thử kiểm tra hàm lượng vitamin D cơ thể đang sở hữu.

Vitamin D còn được gọi là vitamin đến từ ánh mặt trời do chất này được tổng hợp khi cơ thể tiếp xúc với tia nắng. Đây cũng là hợp chất có thể hòa tan trong chất béo và giúp cân bằng trọng lượng cơ thể. Vitamin D có hai dạng chính là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (calciferol). Vitamin D3 được tổng hợp trong da người khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong khi đó, vitamin D2 có thể được bổ sung từ thực phẩm hoặc nhân tạo.

Mối liên hệ giữa thừa cân với tình trạng thiếu hụt vitamin D vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu. Một nghiên cứu tại Đại học y Tehran đã chỉ ra, những phụ nữ thừa cân khi sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin này trong một thời gian có thể giảm đáng kể trọng lượng cơ thể.

Vì vậy, những người tăng cân có xu hướng thiếu hụt vitamin D do ít tiếp xúc với ánh mặt trời hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất này.

Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu vitamin D mọi người có thể bổ sung vào chế độ >dinh dưỡng hàng ngày:

Sữa

Sữa bò chứa nhiều chất béo là nguồn cung cấp vitamin D và canxi dồi dào. Hai chất này đều có khả năng hỗ trợ cơ thể tái tạo xương chắc khỏe. Ashley Barrient, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ y khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial cho biết, một cốc sữa cung cấp 98 IU, tương đương với khoảng 24% giá trị dinh dưỡng hàng ngày. Do đó, mọi người nên uống một ly sữa vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ mỗi ngày.

Dầu gan cá

Dầu gan cá là thực phẩm bổ sung chứa nhiều axit béo omega-3 và vitamin D. Một thìa cà phê loại dầu này sẽ cung cấp 440 IU, tương đương với 100% giá trị dinh dưỡng hàng ngày. Trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung dầu gan cá, bạn nên hỏi ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia.

Cá thu và cá hồi

Tiêu thụ cá thu và cá hồi là tin tốt đối với những người thích thưởng thức các món ăn làm từ cá. Hai loại cá này không chỉ dễ ăn vì có ít xương mà còn giàu omega-3 và vitamin D. Trên thực tế, 85 gram cá hồi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Cá hồi được đánh bắt hoang dã cung cấp hơn 247% giá trị dinh dưỡng cần thiết trong ngày. 85 gram cá thu chứa 400 IU, tương đương với 100% giá trị dinh dưỡng hàng ngày.

Hạnh nhân

Hạnh nhân là loại hạt bổ dưỡng chứa nhiều omega-3, protein, canxi và vitamin D. 28 gram loại hoạt này có thể cung cấp 7% giá trị dinh dưỡng mỗi ngày. Tiêu thụ các loại hạnh nhân không chứa muối cũng là cách hiệu quả để giữ dáng. Mọi người có thể ăn hạnh nhân trực tiếp hoặc cho vào các món như salad.

Sữa chua

Sữa chua cũng là một nguồn cung cấp canxi và vitamin D tuyệt vời. Ngoài ra, loại sữa lên men này còn bổ sung nhiều lợi khuẩn giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn. Do đó, Eliza Savage, bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa tại trung tâm Middleberg Nutrition cho biết, sữa chua là lựa chọn phù hợp để tránh tăng cân và cải thiện sức khỏe đường ruột. Một cốc sữa chua chứa khoảng 80 IU, tương đương với 20% giá trị dinh dưỡng hàng ngày.

Trứng

Lòng đỏ trứng giàu các loại vitamin hòa tan trong chất béo, trong đó có vitamin D. Một quả trứng có thể cung cấp 10% giá trị dinh dưỡng mỗi ngày. Theo Saira J. George, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư tại Trung tâm Y tế Wexner trực thuộc Đại học bang Ohio, các vitamin và protein bắt nguồn từ lòng trứng có thể hòa tan trong nước và chất béo, từ đó giúp giảm cân và thúc đẩy quá trình hoạt động của cơ thể.

Tuy nhiên, mọi người nên tránh tiêu thụ lòng đỏ trứng nếu nồng độ cholesterol tăng quá cao.

Cá ngừ và cá mòi

Cá ngừ và cá mòi cũng là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào. 28 gram cá ngừ tương đương với 57% giá trị dinh dưỡng hàng ngày. Con số này là 41% đối với cá mòi. Cách thức chế biến có thể ảnh hưởng tới hàm lượng vitamin D trong các loại cá này. Bonnie Taub-Dix, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn Read It Before You Eat It: Taking You from Label to Table khuyên, nướng thay vì rán có thể giữ lại nhiều vitamin D trong cá hơn.

Tôm

Giống các loại hải sản khác, tôm cũng là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào. 28 gram tôm cung cấp 40% giá trị dinh dưỡng mỗi ngày, tương đương với khoảng 162 IU. Tuy nhiên, loại thực phẩm này cũng sở hữu hàm lượng cholesterol cao. Vì vậy, hãy tránh tiêu thụ tôm hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu nồng độ cholesterol quá cao.

Nước ép và sữa đậu nành

Một số loại nước ép, sữa đậu nành và ngũ cốc ăn sáng có thể bổ sung vitamin D. Tiêu thụ các thực phẩm này sẽ cải thiện đáng kể hàm lượng vitamin D trong cơ thể. Tuy nhiên, Sarah Koszyk, thạc sĩ kiêm chuyên viên dinh dưỡng đồng thời là tác giả của cuốn 25 Anti-Aging Smoothies for Revitalizing khuyến cáo, mọi người cũng nên thận trọng với ngũ cốc ăn sáng vì chúng có thể chứa nhiều calo.

Nấm

Nấm là một nguồn cung cấp protein và vitamin D tuyệt vời. Tùy thuộc vào loại khác nhau, một bát nấm có thể cung cấp lên đến 890 IU. Trên thực tế, nấm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một vài giờ có thể bổ sung nhiều vitamin D hơn. Mọi người có thể cho nấm vào súp, salad hoặc các món hầm tùy theo sở thích.

Theo Hồng Quân/Trí thức trẻ