Là một trong số những gia tộc giàu có nhất châu Á do tạp chí Forbes Asia bầu chọn nhưng các thành viên của gia tộc Samsung vẫn luôn sợ hãi trước căn bệnh di truyền mà bác sĩ cũng phải bó tay.
Gia tộc quyền lực và giàu có nhưng bị bệnh tật đeo bám qua nhiều đời
Samsung được thành lập vào năm 1938 bởi Lee Byung-Chul tại thành phố Daegu phía nam Hàn Quốc. Năm 1987, ông qua đời, để lại đế chế kinh doanh đa ngành từ điện tử, xây dựng, tài chính, đóng tàu...cho con trai thứ 3 và con trai út Lee Kun-Hee (chủ tịch hiện tại của Samsung).
Các thành viên còn lại trong gia đình lần lượt đảm nhận các vai trò quan trọng trong những tập đoàn về các lĩnh vực như truyền thông (CJ Entertainment), bán lẻ (Shinsegae) và xây dựng (Hansol). Năm 2018, 7 người thuộc gia tộc Samsung hay gia tộc nhà họ Lee lọt top 50 tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc của Tạp chí Forbes với tổng tài sản hơn 38 tỷ USD.
Mặc dù có tiềm lực kinh tế cực mạnh, thậm chí có đủ khả năng ảnh hưởng tới chính trị Hàn Quốc, tưởng như người nhà họ Lee chẳng còn có thể sợ bất cứ điều gì trên đời ngoại trừ căn >bệnh di truyền ám ảnh cả gia tộc. Đó là căn bệnh mang tên Charcot-Marie-Tooth (>bệnh teo cơ Mác).
Theo tờ JoongAng Daily, ông Lee Kun Hee, con trai nhà sáng lập mắc phải căn bệnh này từ lâu và ông vẫn đang tìm đủ cách để chữa trị. Tuy nhiên, người mắc nặng nhất có lẽ là cháu trai của ông, Lee Jay Hyun - chủ tịch của CJ Group.
Năm 2013, Lee Jay-huyn bị điều tra vì tội trốn thuế, tham ô. Cũng trong khoảng thời gian này, truyền thông đưa tin ông mắc chứng suy thận và bệnh teo cơ Mác. Vì biến chứng của căn bệnh khiến chân tay của ông bị co quắp nên ông Lee phải ngồi xe lăn tới nơi điều tra. Ngoài ra, ông còn phải đi một loại giày đặc biệt và thường xuyên xuất hiện trong tình trạng tiều tụy.
Căn bệnh teo cơ Mác thường có khả năng di truyền ở nam giới cao hơn nữ giới nhưng con gái nhà họ Lee cũng không thể thoát khỏi được nỗi “ám ảnh” của cả gia tộc. Lee Bo Jin - chủ tịch chuỗi khách sạn Shilla cao cấp, con gái thứ hai của ông Lee Kun Hee kể từ khi còn trẻ đã phải chống chọi lại với căn bệnh teo cơ Mác và cũng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Một nhân viên lâu năm ở Samsung cho biết gia tộc này có một nỗi ám ảnh đối với căn bệnh di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn và phải chấp nhận “sống chung vỡi lũ” nhưng gia tộc họ Lee vẫn luôn cố gắng tìm cách kiềm chế và tìm kiếm những phương pháp mới để chấm dứt “lời nguyền” gia tộc.
Họ sử dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt ưu tiên các loại máy lọc không khí hiện đại nhất nhằm đảm bảo môi trường sống có bầu không khí tinh khiết như đang ở Hawaii. Ngoài ra, gia tộc Samsung cũng đầu tư một đội ngũ bác sĩ, nhà khoa học nghiên cứu riêng về căn bệnh của gia đình và đầu tư vào các dự án chỉnh sửa gen nhằm chữa dứt điểm bệnh di truyền này.
Căn bệnh Charcot-Marie-Tooth (bệnh teo cơ Mác) là gì?
Bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) hay còn gọi là bệnh teo cơ Mác là một nhóm các rối loạn di truyền gây tổn thương thần kinh. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở cánh tay và chân (dây thần kinh ngoại biên) nên khiến các cơ bắp bị teo và yếu dần. Người mắc bệnh cũng có thể bị mất cảm giác, co thắt cơ bắp, đi lại khó khăn, biến dạng bàn chân. Các triệu chứng thường bắt đầu ở bàn chân nhưng cuối cùng chúng có thể ảnh hưởng đến tay và cánh tay.
Các triệu chứng của >bệnh CMT thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn đầu khi trưởng thành nhưng cũng có thể phát triển ở tuổi trung niên.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh CMT
- Yếu cơ chân, mất cơ bắp chân và bàn chân
- Hình dạng bàn chân bất thường như vòm chân cao hoặc ngón chân cong (võng)
- Giảm khả năng chạy
- Đi lại khó khăn, thường xuyên vấp ngã
- Giảm cảm giác hoặc mất cảm giác ở chân và bàn chân
Khi bệnh CMT tiến triển, các triệu chứng có thể lan từ bàn chân tới cả chân đến bàn tay và cánh tay. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau rất nhiều từ người này sang người khác, ngay cả giữa các thành viên trong gia đình.
Nguyên nhân gây bệnh CMT là gì?
Bệnh CMT là một tình trạng di truyền. Nó xảy ra khi có đột biến gen ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở chân, bàn chân, tay và cánh tay của bạn. Đôi khi, những đột biến này làm hỏng các dây thần kinh. Các đột biến khác làm hỏng lớp phủ bảo vệ bao quanh dây thần kinh (vỏ myelin). Cả hai đều gây ảnh hưởng tới việc truyền thông tin từ các chi tới não.
Điều đó có nghĩa là một số cơ bắp ở chân có thể không nhận được tín hiệu của não do đó người mắc bệnh có nhiều khả năng bị vấp và ngã. Đồng thời, não cũng có thể không nhận được thông điệp đau từ bàn chân nên nếu có một vết thương trên ngón chân, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi nó bị nhiễm trùng nặng.
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị cho bệnh CMT. Nhưng bệnh nói chung tiến triển chậm và nó không ảnh hưởng đến tuổi thọ.