Trong số các nguyên nhân khiến bệnh ung thư ở nước ta gia tăng thì lối sống không lành mạnh hiện đang có rất nhiều người mắc phải.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, hiện tỷ lệ mắc mới >bệnh ung thư đang tăng nhanh. Theo đó, năm 2000 tỷ lệ mắc mới ung thư ở nước ta là 68.000 người, nhưng đến năm 2010 con số này đã tăng lên 126.000 người, dự báo đến năm 2020 số người mắc mới/năm sẽ vượt 200.000 ca.
Trước thực trạng trên, GS.TS Trần Văn Thuấn – GĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết, sở dĩ tỷ lệ ung thư mắc mới ở nước ta tăng nhanh như vậy là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có 4 nguyên nhân chính đã được các nhà khoa học chỉ ra.
Thứ nhất, do những năm vừa qua chúng ta đã đạt được những thành công nhất định trong việc tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về vấn đề chăm sóc, bảo vệ >sức khỏe. Từ đó, ý thức của người dân được nâng cao và họ đi khám sức khỏe nhiều hơn, chính nhờ đó mà việc phát hiện bệnh cũng nhiều hơn.
Thứ hai, đó chính là tuổi thọ của người dân không ngừng tăng lên. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt đang ở mức 73,5 tuổi. Khi tuổi thọ được nâng lên thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư càng lớn.
Thứ ba là do nền y học của Việt Nam ngày càng phát triển cả về đội ngũ y bác sĩ và việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khi các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến được áp dụng thì tỷ lệ phát hiện bệnh cũng sẽ cao hơn.
Thứ tư đó là vấn đề lối sống, môi trường tác động đến con người khiến bệnh tật càng gia tăng. Theo đó, chỉ có 10% ung thư mắc là do rối loạn nội tiết, do vấn đề di truyền bên trong cơ thể, còn lại 80% còn lại là do các tác nhân không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, lường vận động, chế độ ăn không hợp lý.
Trong số đó, GS Thuấn đặc biệt lưu ý đến thói quen hút thuốc lá của nhiều người hiện này. Bởi thuốc là là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư khoang miệng...
Ngoài ra chế độ ăn uống không hợp lý, ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% nguyên nhân như ăn nhiều thịt, ít rau làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ăn các thực phẩm bị nấm mốc làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày...
Đề phòng bệnh ung thư, GS Thuấn cho rằng điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi người, đó là trong cuộc sống hàng ngày có lối sống lành mạnh thì hoàn toàn có thể đẩy lùi được nhiều căn bệnh ung thư. Điển hình như việc không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, không ăn đồ nấm mốc, tăng cường tập luyện thể thao...
Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư còn có 10% là do yếu tố di truyền và các thay đổi nội tiết trong cơ thể vì thế việc đi khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư.
Không chỉ có vậy, khám và phát hiện kịp thời cũng làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư gây ra. “Hiện nhiều căn bệnh ung thư chúng ta đã có thể chữa khỏi được hoàn toàn, tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải được phát hiện ở giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời, đúng khoa học”, GS Thuấn chia sẻ.
Đối với các dấu hiệu của căn bệnh ung thư, các chuyên gia cũng cho rằng mỗi bệnh đều có một dấu hiệu đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, bản thân mỗi người hãy tự “lắng nghe” cơ thể của mình. Khi nào thấy xuất hiện các dấu hiệu sau thì cần đến các bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện có khoa ung bướu để được thăm khám kịp thời.
Đó là khi sờ thấy u bất thường, hạch cổ bất thường, đau đầu ù tai, thay đổi thói quen đại tiểu tiện, đi ngoài nhiều, đau bụng, phân có máu không lý giải được nên đi khám sớm.
- Đi tiểu ra máu có thể là ung thư thận, ung thư bàng quang.
- Vết loét lâu liền ở da nên đi khám có thể là ung thư da.
- U lồi trên da có thể là ung thư xương, ung thư phần mềm.
- Người trẻ hay bị đau đầu, lác mắt, khó ngủ có thể là u não.