Nhiều người cho rằng, đeo kính cận thường xuyên là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lồi mắt, nhất là người bị cận thị nặng, điều đó có đúng hay không?
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt, bệnh khiến mắt nhìn xa mờ, chỉ có thể nhìn rõ khi tiến lại gần hoặc đưa vật tới gần mắt.
Các bác sĩ cho rằng, độ cận sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng tuỳ theo độ tuổi khởi phát >cận thị và thói quen sinh hoạt của trẻ. Nếu không kiểm soát và điều trị kịp thời, cận thị nặng có thể dẫn đến bệnh lý nguy hiểm thậm chí là mù loà.
Cận thị thường được chia làm 4 loại chính, đó là:
- Cận thị giả: Khi nhìn xa mắt có thể nhìn vật lúc rõ lúc mờ, nguyên nhân có thể là do mắt phải làm việc hoặc học tập quá sức.
- Cận thị thứ phát: Do các nguyên nhân cụ thể (thuốc, bệnh giác mạc hoặc các hội chứng toàn thân).
- Cận thị ban đêm: Trong môi trường ánh sáng mờ, yếu, mắt không phân biệt rõ các vật ở xa.
- Cận thị bệnh lý: sự kéo dài trục quá mức đi kèm với cận thị dẫn đến những thay đổi cấu trúc của phần sau của mắt (bao gồm giãn lồi cực sau, bệnh hoàng điểm và bệnh thị thần kinh liên quan cận thị cao) và có thể dẫn đến mất thị lực không hồi phục.
Khi bị cận thị, nhiều người thường có chung thắc mắc: Có phải không đeo kính thì sẽ bị tăng độ cận? Nhưng đeo kính nhiều sẽ khiến mắt bị lồi? Vậy đâu mới là cách làm đúng? Hãy cùng lắng nghe lời khuyên của Ths.Bs Hoàng Thanh Nga (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2).
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga: Cận thị đeo kính hoặc không đeo kính tuỳ thuộc từng độ tuổi, mức độ cận thị và chỉ dẫn của bác sĩ. Với độ cận dưới -1.00 diop ở người trưởng thành có thể không cần đeo kính thường xuyên, chỉ cần đeo khi muốn nhìn xa rõ.
Với trẻ em khi đã bị cận tốt nhất nên đeo kính thường xuyên, đặc biệt với trẻ dưới 18 tuổi mắt chưa phát triển toàn diện. Độ cận mỗi năm thường tăng trung bình từ 0.50-1.00 diop. Một số trường hợp có thể tăng hơn -1.00 diop do ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, thời gian nhìn gần, thời gian hoạt động ngoài trời…
Trẻ bị cận thị không đeo kính hoặc đeo kính không đúng số trong thời gian dài sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn. Lâu dần khiến mắt khô, nhức và mỏi mắt, tăng nguy cơ suy giảm thị lực, độ cận tăng nhanh hoặc gây nhược thị, nhất là trẻ bị cận thị lệch cao.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga: Cận thị xảy ra kéo theo trục nhãn cầu dài hơn bình thường. Tuỳ theo độ tuổi, trục nhãn cầu trung bình từ 22-24mm. Khi bị cận thị, trục nhãn cầu dài hơn có thể lên đến 30-31mm. Độ cận càng cao trục nhãn cầu càng dài.
Chiều dài trục nhãn cầu là thông số cần thiết để xác định mức độ cận thị cũng như chẩn đoán nguy cơ tăng/giảm độ cận trong tương lai. Vì vậy, khi khám chuyên sâu, bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều dài trục nhãn cầu để kiểm soát tật khúc xạ.
Người bị cận thị khi mới bỏ kính, mắt chưa kịp điều tiết và thích ứng kịp với chức năng nhìn nên người khác nhìn vào có cảm giác như mắt bị dại. Sau khi phẫu thuật cận thị, mắt sẽ trở về trạng thái bình thường.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga: Tình trạng lồi mắt nếu là bệnh lý thì có thể là do bẩm sinh hoặc thứ phát do xuất hiện khối u ở hốc mắt, viêm tổ chức hốc mắt hoặc chấn thương ở mắt. Để biết chính xác nguyên nhân, tốt nhất người bệnh nên thăm khám chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.
Còn cận thị do trục nhãn cầu dài có thể nhìn có cảm giác mắt bị lồi. Điều này khác với bệnh lý lồi mắt. Để xác định mắt có thực sự bị lồi hay không phải thăm khám trực tiếp. Không có cơ sở khoa học để khẳng định cận thị gây ra bệnh lồi mắt.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga: Độ cận càng cao thì trục nhãn cầu càng dài, có thể có cảm giác mắt bị lồi hơn. Để hạn chế tình trạng này, cần kiểm soát cận thị để độ cận không tăng quá nhanh. Nên sử dụng kính đúng số độ và đúng cách, không để kính quá trễ khiến mắt phải ngước lên/xuống khi nhìn. Kết hợp với việc thường xuyên sử dụng thuốc dưỡng mắt để tránh khô mắt, tuyệt đối không làm việc và học tập trong môi trường thiếu ánh sáng. Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya hoặc tiếp xúc quá lâu với màn hình máy tính khiến mắt dễ bị sưng, mỏi mệt, chảy nước mắt.
Các bạn cũng nên khám mắt định kỳ để kiểm soát tốt tật khúc xạ tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng lồi mắt sau khi đeo kính.