Bánh chưng, thịt gà, mứt... là những món ăn quá quen thuộc đối với người dân ở mọi miền trong dịp Tết, thế nhưng liệu có phải ai cũng được ăn những thức ăn đó?

13:35 15/02/2018

Người xưa có câu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" chỉ 2 câu thơ ngắn ngủi thôi nhưng dường như nó đã nói lên mọi thứ, cả không khí, nét văn hóa và cả những món ăn đặc trưng của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tết đến là lúc để cả nhà quây quần, xum họp bên mâm cơm để kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm cũ và cùng chúc nhau một năm mới với thật nhiều may mắn, thành công.

Những >món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt gà, giò chả rồi xôi nếp, mứt... là những thứ đồ ăn dường như "không thể thiếu" trong bất kỳ gia đình nào, để có một cái Tết thật trọn vẹn và đúng nghĩa. Những món ăn đó đều chứa nhiều chất >dinh dưỡng, tốt cho >sức khỏe nhưng với điều kiện là phải ăn ở một chừng mực nào đó. Vậy nhưng, với đa số mọi người đều quan niệm rằng "cả năm mới có vài ngày Tết, tội gì mà không ăn!". Đúng, cả năm đúng là chỉ có vài ngày Tết thật đấy, nhưng nếu bạn không giữ chế độ ăn uống khoa học, đặc biệt là những người có bệnh sẵn trong người mà không kiêng khem cẩn thận thì coi chừng sẽ phải nhập viện và "ăn Tết trong viện" ấy chứ.

Cứ sau mỗi dịp Tết, con số thống kê từ các bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân lại tăng lên vì nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có cả nguyên nhân do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không có chế độ kiêng khem cẩn thận, rượu bia nhiều...

Vậy nên, để có một kỳ nghỉ Tết thật vui vẻ, khỏe mạnh, bạn hãy chú ý đến thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân nhé:

1. Người có những bệnh này không nên ăn bánh chưng

Người béo phì: Những người bị thừa cân chỉ nên ăn ít bánh chưng thôi vì bánh chưng chứa rất nhiều tinh bột. Còn nếu đã bị liệt vào danh sách mắc bệnh béo phì thì bạn tuyệt đối không nên ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán thì nó cực nhiều chất béo, giàu năng lượng.

Người bị bệnh thận: Người bị bệnh này mà hay có các triệu chứng tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tăng mỡ máu thì nên "tránh xa" bánh chưng.

Người bị đau dạ dày: Bánh chưng chứa gạo nếp và đỗ xanh, hai thứ này đều không tốt cho người đau dạ dày bởi chúng gây đầy hơi và có thể khiến người bệnh đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu...

Người bị mụn nhọt: Loại bánh này là đồ nếp nên có thể gây nóng trong, khiến tình trạng mụn nhọt trở nên nghiêm trọng hơn.

Người mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch: Bánh chưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, giàu chất đạm động vật và thực vật, nhiều chất béo... gây ảnh hưởng tới tim mạch và huyết áp.

2. Không chỉ người tiểu đường, bị các bệnh sau cũng nên tránh ăn mứt Tết

Mứt là món ăn truyền thống của người Việt Nam, chúng được chế biến từ các nguyên liệu tươi như loại rau, của, quả. Khi làm mứt, để bảo quản được mứt lâu hơn, người ta dùng nhiều đường để tránh gây ẩm, mốc trong thời gian ngắn.

Bệnh tiểu đường: Nếu mắc các bệnh như tiểu đường, mỡ máu cao, cho huyết áp thì bạn nên hạn chế ăn mứt. Thậm chí, người bị tiểu đường cần phải "tránh tuyệt đối" ăn mứt vì nó có thể khiến cho đường huyết tăng đột ngột rồi gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Người thừa cân, béo phì: Nhóm người này cũng được khuyên không nên sử dụng sản phẩm mứt Tết thường xuyên. Tiêu thụ quá nhiều mứt khiến cho năng lượng dư thừa tích lũy và chuyển hóa thành mỡ. Điều này khiến cho người béo phì càng thêm thừa cân và dễ mắc một số bệnh lý liên quan tới chuyển hóa.

Phụ nữ mang thai: Thực tế, bà bầu cũng không nên ăn quá nhiều mứt Tết. Bởi thành phần chủ yếu của mứt là đường, mứt làm từ hoa quả thật đấy nhưng dường như lượng vitamin trong đó đã không còn. Chị em mang bầu cần chọn lựa thực phẩm có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất hơn là chỉ giàu năng lượng.

3. Không phải ai cũng được ăn thịt gà ngày Tết

Thịt gà cũng là món ăn mà "nhà nào cũng có" trong dịp Tết, thậm chí có nhà còn "thủ" sẵn đến cả 3-4 con gà để ăn trong vài ngày. Vậy nhưng, thực tế có những người không nên ăn loại thịt giàu dinh dưỡng này.

Những người gặp vấn đề về tiêu hóa: Thịt gà có rất nhiều dưỡng chất nhưng những người có hệ tiêu hóa không tốt thì nên tránh xa thực phẩm này vì ăn quá nhiều thịt gà rất khó tiêu.

Mà ngày Tết thì đâu chỉ có mỗi thịt gà, còn rất nhiều đồ ăn khác nữa. Vậy nên, kể cả những người bình thường thì cũng hạn chế ăn thịt gà. Nếu ăn quá nhiều loại thịt này sẽ khiến hệ tiêu hóa của chúng ta phải làm việc quá công suất. Và hậu quả là ra tết lại phải đi gặp bác sĩ.

Người bị huyết áp cao, tim mạch: Cứ 100 gram thịt gà thì có 23,3 gram protein; lipit và các khoáng chất khác như can xi, phốt pho, sắt, thêm vào đó là nhiều vitamin A, C, E khác rất có lợi cho sức khỏe. Vậy nhưng da gà lại có nhiều mỡ, colesteron nên những người huyết áp cao, bệnh tim mạch không nên ăn nhiều thịt gà đặc biệt là da gà.

Người bị sỏi thận: Nếu không may bị bệnh sỏi thận, bạn cũng nên tránh xa hoặc kiêng ăn loại thịt này. Vì đây là loại thực phẩm rất giàu protein nên sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.

Ngoài những lưu ý trên, thói quen tích trữ đồ ăn của nhiều gia đình cũng là nguyên nhân khiến nhiều người phải nhập viện cấp tốc trong dịp Tết.

Với tâm lý "mua sẵn để khỏi phải đi mua trong dịp Tết", nhiều gia đình có thói quen tích trữ thật nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Mọi người đều nghĩ rằng, để trong tủ lạnh rồi thì thực phẩm không thể hỏng được nữa. Nhưng thực tế thì vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập nếu để quá lâu, đồ ăn vẫn có thể bị ôi thiu. Mà ăn những thực phẩm không tươi như vậy thì chắc chắn sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Theo L.T/Helino