Theo các chuyên gia, thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm nhưng không thể là “cứu cánh” duy nhất can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ rất gây ra do nhiều nguyên nhân. Mặc khác, việc dùng thịt cóc còn tồn tại nhiều nguy cơ với trẻ, nếu không được chế biến đúng cách.
Cho con ăn thịt cóc để chữa còi cọc, >biếng ăn
Sinh con đầu lòng năm 24 tuổi, bé trai khi sinh chỉ có 2,8 kg, lại còi cọc, chậm lớn khiến chị Mai Thị Hồng Nhung (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) vô cùng áp lực. Được bạn bè giới thiệu dùng thịt cóc để chế biến thức ăn cho con, chị Nhung như vớ được vàng.
“Hầu như trong tủ lạnh của gia đình lúc nào cũng có sẵn thịt cóc trữ đông. Tôi hay dùng thịt cóc xay nhuyễn hay hầm nhừ nấu canh cho con. Con của bạn tôi nhờ ăn thịt cóc ngay khi mới ăn dặm nên lớn nhanh, cứng cáp hơn bạn bè”, chị Nhung nói.
Tương tự với chị Nhung, chị Nguyễn Ái Ngân (32 tuổi, ngụ quận 8) cũng vất vả tìm mọi cách giúp con tăng cân. Bé Ti (con gái chị Ngân) đã 14 tháng nhưng chỉ vỏn vẹn 8kg. Nhìn con còi cọc, biếng ăn, chị Nhung vái tứ phương nhưng vẫn không hiệu quả khi giúp con tăng cân nặng.
Thấy cháu chậm lớn, lại biếng ăn, bà nội bé (đang sống ở Bến Tre) tìm mua cóc đồng để gửi lên TP.HCM. “Mẹ chồng tôi bắt phải nấu ăn cho con liên tục vì thịt cóc có nhiều chất bổ, giúp xương cứng cáp. Thấy con cứ ăn mãi một món, nhiều khi còn nôn ọe khi nghe mùi nhưng lời mẹ chồng tôi không dám cãi. Tôi tìm hiểu trên mạng thì được biết thịt cóc thực chất không có nhiều tác dụng trong việc giúp bé trị >còi xương, nếu chế biến và bảo quản không cẩn thận, lại có thể có nguy cơ gây ngộ độc“, chị Ngân ái ngại.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, có 4 nhóm nguyên nhân chính gây biếng ăn:
- Biếng ăn do tâm lý:
- Nguyên nhân bệnh lý;
- Nguyên nhân do khiếm khuyết trong cách chế biến thức ăn cho trẻ ;
- Nguyên nhân sinh lý.
Riêng về vấn đề còi xương, bác sĩ Minh phân tích: “Canxi có chức năng rất quan trọng trong cơ thể. Canxi tham gia vào các phản ứng chuyển hóa, điều hòa môi trường trong cơ thể như trong mạch máu, trong tế bào… Đặc biệt, canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng (99%), giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Chính vì thế, nếu không được cung cấp đủ canxi thì về lâu dài trẻ sẽ bị còi xương.
Tuy nhiên, muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D, vì vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Nếu không có vitamin D, có khi cho dù trẻ ăn uống đủ canxi mà vẫn bị thiếu canxi. Do đó, ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”.
Thịt cóc không giúp trẻ chữa biếng ăn hay còi xương
Nhìn nhận về quan niệm dùng thịt cóc để chữa còi xương và biếng ăn, bác sĩ Minh cho rằng theo bảng thành phần >dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng cho thấy thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Lượng đạm trong thịt cóc có giàu thật nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém. Lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu.
“Lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc coi như bằng không. Rất ít thực phẩm trong tự nhiên có lượng đáng kể vitamin D. Nhiều vitamin D một chút chỉ có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú …), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D. Như vậy, với những phân tích có cơ sở như trên cho thấy thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm nhưng không thể là “cứu cánh” duy nhất can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ rất gây ra do nhiều nguyên nhân. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và vitamin D “nghèo” coi như bằng không, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được”, chuyên gia cho biết.
Bên cạnh những mặt lợi, ở góc độ dinh dưỡng của thịt cóc như đã được phân tích cho thấy chẳng phải quá “diệu kỳ" như nhiều người vẫn đang lầm tưởng, thịt cóc còn chứa đựng những mặt hại gây hiểm hoạ không lường
Nguy cơ ngộ độc khi ăn thịt cóc
Ở gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của con cóc chứa rất nhiều bufotoxin – một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Tỷ lệ gây ra tử vong của loại độc chất này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (độc tố có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Chú ý rằng, độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân huỷ. Cho nên, một khi độc tố của cóc, trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc, độc tố sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu sôi hầm rục.
Nếu chỉ nghĩ đơn giản nấu chín thịt cóc và tự mua cóc về nhà làm là an toàn tuyệt đối thì bạn đã phạm sai lầm. Vấn đề quan trọng nhất là cần đảm bảo độc chất của cóc không bị dây vào thịt cóc. Nhưng trong quá trình tự chế biến, làm sao chúng ta tin chắc rằng đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt cóc?
Trong khi, đối tượng ăn thịt cóc tự chế biến đa phần là những trẻ em chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược… cần nâng cao thể trạng. Và chắc chắn là ở những người này, sức chống chọi với độc tố của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người bình thường. Do vậy, mỗi một khi ngộ độc xảy ra, tỷ lệ tử vong cao là điều không thể tránh khỏi
Với lý do an toàn cho sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng nên nhớ, nếu sản phẩm thịt cóc hoặc bột cóc được chế biến từ những người bán cóc dạo, từ những cơ sở chưa có chứng nhận của Bộ Y tế, của cấp cơ quan có thẩm quyền… phải xem là sản phẩm không đáng tin cậy, rất có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Với những phân tích như trên, bác sĩ Minh khuyến cáo cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ là ưu tiên số một nếu con bị biếng ăn, còi xương.
“Một số tài liệu Đông y có đề cập đến thịt cóc là nguồn dinh dưỡng rất giàu đạm, là một trong những bài thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên với những phân tích “lợi bất cập hại” nêu trên, nếu người tiêu dùng đã có điều kiện mua cá, nghêu sò hàu, thịt … thì không nên dùng thịt cóc. Đó là những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt cóc, lại bảo đảm sức khoẻ và an toàn tính mạng cho người sử dụng“, chuyên gia phân tích.