Việc sử dụng dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay không đạt chuẩn chất lượng rất dễ gây kích ứng, dị ứng, thậm chí còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn ngày càng tăng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh làm giả, làm nhái các sản phẩm trên để trục lợi.
Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất dung dịch sát khuẩn, nước xịt tay sạch khuẩn... không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo các chuyên gia, đây là việc làm tiềm ẩn nhiều rủi ro với >sức khỏe, đặc biệt là khiến người dùng dễ mắc các bệnh về da liễu, thậm chí là cả tăng nguy cơ nhiễm COVID-19.
Chia sẻ trên Báo Sức Khỏe Đời Sống, BSCK II. Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW cho biết, sử dụng nước sát khuẩn “rởm” không những không sạch mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo bác sỹ Hào, thành phần của dung dịch sát khuẩn thường bao gồm những chất có tác dụng khử khuẩn như ethanol, isopropanol, chlorhexidine, chất giữ ẩm glycerin và nước cất. Với những sản phẩm nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn đạt chất lượng, nồng độ cồn được xử lý chính xác và phù hợp, tránh làm đông vón lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus mất tác dụng diệt khuẩn.
“Các sản phẩm đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn các vi sinh vật bám trên bề mặt da, không gây kích ứng da, giúp làm mềm da. Ngay cả có vô tình bị rơi, bắn vào mắt, những dung dịch này đều không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, với những sản phẩm hàng nhái, không đảm bảo chất lượng thì ngược lại” Bác sỹ Hào cho hay.
Ngoài ra, nước rửa tay rởm rất dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng hoặc dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.
Bác sỹ Hào cũng cho biết, các dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng nói chung đều có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus bao gồm cả COVID-19. Do đó, khi chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay nên mua ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày.
Bên cạnh rửa tay thường xuyên, cũng cần phải chú ý lau chùi các vật dụng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại, công tắc đèn,... bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Không nên lạm dụng quá các dung dịch sát khuẩn, chỉ nên dùng chúng trong trường hợp khi không nhìn thấy các vết bẩn bằng mắt thường. Còn nếu có vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường thì rửa tay bằng dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn sẽ mang lại hiệu quả hơn.