Mặc dù đã tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn giảm cân nhưng bạn vẫn cảm thấy lượng calo trong cơ thể không được giải phóng hiệu quả? Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất.
Mặc dù bạn đã áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt cùng với việc >luyện tập thường xuyên nhưng quá trình >giảm cân vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi? Rất có thể, bạn đã mắc những >sai lầm khi giảm cân dưới đây. Hãy tìm hiểu xem chúng là gì và nhanh chóng có biện pháp khắc phục kịp thời nhé!
Calo trong mọi loại thực phẩm đều như nhau
Bạn đừng nghĩ rằng 100 calo trong rau cũng giống như khi nạp 100 calo từ kem. Sự thật là chúng sẽ có những tác động khác nhau khi hấp thụ vào cơ thể. Đối với việc giảm cân, điều quan trọng là phải xem xét lượng insulin được cơ thể tiết ra dựa trên loại calo mà chúng ta hấp thụ.
Khi nhiều insulin được giải phóng liên tục thông qua các thực phẩm nhiều đường, chúng không chỉ làm cản trở quá trình đốt cháy chất béo mà còn làm cơ thể tích trữ lại năng lượng để tạo thành mỡ trong cơ thể. Các loại calo làm tăng đột biến insulin nhiều nhất phải kể đến carbohydrate dưới dạng đường đơn. Vì vậy, bạn nên chọn những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, protein... để thúc đẩy quá trình đốt cháy calo hiệu quả nhất.
Tập trung vào các bài tập cardio mà bỏ qua việc vận động mạnh
Những bài tập cardio giúp nhịp tim tăng nhanh luôn là lời khuyên giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ áp dụng duy nhất những bài chạy bộ, đạp xe đạp... trong thời gian dài mà vẫn chưa thấy có kết quả thì rất có thể là do cơ thể đã "nhàm chán" với chúng. Các chuyên gia khuyên rằng, cũng như chế độ ăn, bài tập thể dục cần được thay đổi linh hoạt để thúc đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể. Những bài tập thể thao mạnh không chỉ tăng sức bền, phát triển cơ bắp mà còn giúp tiêu hao calo nhanh hơn. Bạn có thể tập luân phiên thay đổi theo ngày tùy theo thời gian và khả năng của mình.
Chia ra quá nhiều bữa ăn
Nhiều lời khuyên cho rằng chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp quá trình giảm cân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn không nên chia nhiều hơn 5 bữa/ngày để cơ thể luôn cảm thấy đói liên tục. Điều này thực chất không hề lành mạnh vì dần bạn sẽ hình thành thói quen ăn uống không theo giờ giấc. Bên cạnh đó, nếu giảm kích cỡ và lượng thực phẩm trong bữa ăn thì quá trình trao đổi chất ngay sau đó sẽ bị chậm lại, ảnh hưởng đến việc đốt cháy calo trong cơ thể.
Cắt giảm hoàn toàn nhiều loại thực phẩm
Dẫu biết rằng những thực phẩm xấu như đường, chất béo... sẽ làm quá trình giảm cân bị "trì trệ" nhưng nếu bạn cắt giảm hoàn toàn thì sẽ dẫn đến sự thèm ăn nghiêm trọng. Để bù đắp cho nhu cầu đó, bạn sẽ tiêu thụ nhiều thực phẩm khác. Như thế chẳng những cơ thể bị thiếu chất mà quá trình trao đổi chất cũng trở nên kém hiệu quả. Bạn có thể thưởng thức những món ăn yêu thích như kem, phô mai... nhưng hãy giới hạn khẩu phần và không nên ăn sau 7 giờ tối.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ sẽ làm mất cân bằng nồng độ hormone của cơ thể và còn tác động đến mức độ đói của bạn vào ngày hôm sau. Hai hormone có ảnh hưởng đến sự thèm ăn là ghrelin, hormone gây đói, và leptin, hormone tạo cảm giác no. Khi không ngủ đủ giấc, mức độ ghrelin tăng lên trong khi nồng độ leptin trong cơ thể bị giảm xuống. Điều này khiến bạn cảm thấy đói và có xu hướng ăn nhiều hơn. Để quá trình giảm cân hiệu quả, bạn nên ngủ ít nhất 7 - 8 giờ mỗi ngày.
Căng thẳng
Cảm thấy căng thẳng không chỉ tác động đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến công cuộc giảm cân của chúng ta. Khi lo âu, cơ thể sẽ tạo ra hormone steroid được gọi là cortisol, làm tăng cảm giác thèm ăn và bạn cần tiêu thụ các thức ăn có đường để cung cấp năng lượng và giúp tâm trạng thoải mái. Hơn thế nữa, khi nồng độ cortisol vẫn duy trì ở mức độ cao trong một thời gian dài, chúng có thể dẫn đến tình trạng tích trữ chất béo ở vùng bụng khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng.
Cơ thể cần một sự cân bằng hợp lí của tập thể dục và nghỉ ngơi. Bạn đừng quá đặt nặng vấn đề giảm cân mà hãy hướng đến sự khỏe mạnh lâu dài của cơ thể.