Đổ mồ hôi đêm có thể gây khó chịu và khó xử lý. Biện pháp điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân đằng sau của hiện tượng là gì.
Đổ mồ hôi đêm là gì?
Đổ mồ hôi đêm là khi một người thức dậy với quần áo hoặc chăn ga thấm mồ hôi ẩm ướt. Mặc quá nhiều quần áo khi ngủ có thể là nguyên nhân. Nhưng đổ mồ hôi cũng có thể là kết quả của tình trạng mất cân bằng hormone, ví dụ, hàm lượng testosterone thấp ảnh hưởng xấu tới cả nam và nữ.
Đổ mồ hôi đêm được coi là triệu chứng phổ biến của những thay đổi hormone, thường thấy ở những phụ nữ đang trải qua giai đoạn mãn kinh và trải nghiệm sự sụt giảm hormone giới tính. Mất cân bằng hormone cũng không loại trừ nam giới.
Testosterone là hormone giới tính chính ở nam, chịu trách nhiệm xử lý các quá trình như sản sinh tinh trùng và xây dựng các khối cơ. Hàm lượng testosterone giảm dần theo tuổi tác. Khi hormone này ở mức thấp đối với nam giới, cơ thể có thể bộc lộ nhiều triệu chứng, bao gồm đổ mồ hôi đêm.
Bên cạnh đó, đôi khi cũng có mối liên hệ giữa một số loại thuốc với tình trạng testosterone thấp. Bất cứ ai trải nghiệm đổ mồ hôi đêm nên đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Drugs – Real World Outcomes, ước tính rằng, khoảng 34-41% người trưởng thành tới gặp bác sĩ và 10-14% người cao tuổi bị đổ mồ hôi đêm, mặc dù vấn đề này có thể không được chẩn đoán chính thức.
Không có nguyên nhân riêng lẻ gây đổ mồ hôi đêm. Nhiều vấn đề khi kết hợp lại có thể dẫn tới tình trạng này, bao gồm:
Hàm lượng testosterone thấp
Testosterone thấp là tình trạng phổ biến ở nam giới. Nó có nghĩa là cơ thể không sản sinh ra đủ testosterone. Tình trạng này ngày càng phổ biến hơn khi nam giới già đi và các quá trình tự nhiên của cơ thể bắt đầu chậm lại.
Hàm lượng testosterone thấp có thể gây ra các triệu chứng:
- Mức năng lượng thấp hay mỏi mệt, uể oải.
- Bốc hỏa.
- Thay đổi tâm trạng.
- Ham muốn tình dục thấp.
- Rối loạn cương cứng.
- Mô ngực nở.
Điều quan trọng cần nhớ: Những vấn đề này có thể có các nguyên nhân khác và bất cứ ai gặp phải triệu chứng như trên cần tới gặp bác sĩ. Không ít tình huống có thể khởi phát hiện tượng testosterone thấp như chấn thương hoặc khối u ảnh hưởng tới tinh hoàn hoặc tuyến tiền liệt. Một số bệnh di truyền hay mãn tính cũng có thể làm testosterone suy giảm.
Một số biện pháp điều trị y tế như xạ trị hay hóa trị cũng tác động tới hormone và khiến lượng testosterone không còn như bình thường.
Dùng một số loại thuốc
Đôi khi, một số loại thuốc có thể gây đổ mồ hôi đêm. Ví dụ, đổ mồ hôi đêm được xem là tác dụng phục của thuốc chống trầm cảm - theo nghiên cứu trên Drugs - Real World Outcomes. Ngoài ra, còn có thuốc dành cho bệnh nhân cao huyết áp và kháng sinh.
Thuốc ngăn chặn hoặc thay đổi hormone - như liệu pháp điều trị hormone, thực phẩm bổ sung hormone tuyến giáp hoặc một số loại thuốc trị ung thư - đều tiềm ẩn nguy cơ gây đổ mồ hôi đêm.
Mắc một số bệnh
Một số chứng bệnh có thể dẫn tới đổ mồ hôi đêm ở cả nam và nữ. Đó là:
- Rối loạn lo lắng.
- Hoảng loạn.
- Bệnh tự miễn.
- HIV/AIDS.
- Các vấn đề liên quan tới giác quan, như tình trạng tê bì.
- Lạm dụng thuốc.
- Cường giáp.
- Một số bệnh ung thư nhất định như bạch cầu hay u lympho Hodgkin.
- Một số bệnh nhiễm trùng.
Chứng rối loạn giấc ngủ cũng có thể là nguyên nhân đằng sau hiện tượng đổ mồ hôi đêm. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí BMJ Open lưu ý rằng, đổ mồ đêm xảy ra nhiều gấp 3 lần ở những người bị chứng ngưng thở khi ngủ mà không được điều trị. Họ có thể để ý các triệu chứng khác, như cảm giác mệt mỏi, bất kể có ngủ nhiều thế nào.
Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây đổ mồ hôi đêm ở một số cá nhân, đặc biệt nếu họ uống rượu trước khi đi ngủ.
Đôi khi, đổ mồ hôi đêm là triệu chứng của những thay đổi bình thường trong cơ thể, như mãn kinh với nữ giới. Trong khoảng thời gian này, phụ nữ trải nghiệm hiện tượng giảm lượng hormone, từ đó, dẫn tới nhiều triệu chứng và thường xuyên là đổ mồ hôi đêm.
Cách điều trị lượng testosterone thấp
Nếu hàm lượng testosterone thấp là nguyên nhân đổ mồ hôi đêm, biện pháp điều trị điển hình là bổ sung hormone này. Nhưng nó không giống với loại thuốc steroid mà các vận động viên thể thao hay vận động viên thể hình sử dụng.
Điều trị hormone testosterone thường liên quan tới các loại thuốc kê đơn dưới dạng thuốc viên, kem bôi hoặc miếng dán giúp giải phóng hormone một cách từ từ vào cơ thể. Một khi đã ở trong cơ thể, testosterone hoạt động như hormone mà cơ thể sản sinh ra.
Cách điều trị này thường hiệu quả nhưng cũng đi kèm với một số nguy cơ. Những tác dụng phụ của liệu pháp thay thế testosteroen ở nam giới cần lưu ý là:
- Thay đổi tâm trạng.
- Mọc mụn.
- Ngực nở.
- Đau hoặc mềm ngực.
- Tăng cân.
- Sưng phù ở chi dưới.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Ung thư tuyến tiền liệt trở nặng hơn.
- Nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.
- Nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.
Chữa trị tại nhà chứng đổ mồ hôi đêm
Đôi khi, giải pháp chỉ là thay chăn ga trên giường ngủ hoặc quần áo mà bạn mặc khi đi ngủ. Các vật liệu nhẹ, thoáng khí có thể giúp ngăn ngừa đổ mồ hôi đêm trong một số trường hợp, đặc biệt khi thời tiết oi nóng.
Giảm hấp thụ rượu cũng có thể giúp những người uống rượu và bị đổ mồ hôi đêm.
Một số biện pháp điều trị đơn giản tại nhà hoặc thay đổi lối sống chắc chắn góp phần tích cực vào việc hỗ trợ cơ thể, tăng testosterone tự nhiên ở nam giới.
Lưu ý: Chúng không phải là biện pháp chữa chứng testosterone thấp mà chỉ có tính chất hỗ trợ liệu pháp y tế thông thường.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Journal of Clinical Biochemistry and Nutrition chỉ ra rằng, hoạt động thể chất và giảm cân có vai trò quan trọng để tăng cường hàm lượng testosterone tự nhiên trong cơ thể. Thừa cân hay béo phì làm giảm testosterone trong máu. Do đó, năng vận động, giảm hấp thụ calo sẽ cải thiện tình hình.
Hoạt động thể chất cũng được chứng minh là có tác dụng nhất để tăng testosterone tự nhiên. Nam giới chăm vận động có mức testosterone cao hơn đáng kể so với những người lười vận động, dù những người đó hấp thụ ít calo hơn.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều hòa lượng hormone. Ngủ đủ, ngủ sâu giấc mỗi đêm sẽ giúp hormone cân bằng, bao gồm cả testosterone.
Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Thông thường, đổ mồ hôi đêm là hiện tượng nhất thời, không phải vấn đề khiến bạn quá lo lắng. Những trường hợp khác, đổ mồ hôi đêm có thể kéo dài và khi đó, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, phù hợp.
Phụ nữ hậu mãn kinh trải nghiệm hiện tượng đổ mồ hôi đêm một thời gian dài sau khi mãn kinh cũng nên tới gặp bác sĩ.
Những người bị đổ mồ hôi đêm gây ảnh hưởng tới giấc ngủ hoặc thường xuyên đổ mồ hôi đêm cũng cần lên lịch hẹn khám với bác sĩ.
Bất cứ ai phát hiện những triệu chứng khác như giảm cân mà không rõ nguyên nhân, sốt hay triệu chứng liên quan tới dạ dày – tiêu hóa việc gặp bác sĩ cũng là cần thiết.
Kết luận
Đổ mồ hôi đêm có thể gây khó chịu và khó xử lý. Biện pháp điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân đằng sau của hiện tượng là gì. Nếu do lượng testosterone thấp, bác sĩ thường gợi ý liệu pháp thay thế testosterone. Liệu pháp này hiệu quả nhưng cũng đi kèm một số nguy cơ.
Những người liên tục bị đổ mồ hôi ngay cả sau khi áp dụng biện pháp điều trị lượng testosterone thấp cần tới khám lại để xác định nguyên nhân chính xác.