Uống nước nhiều mỗi ngày là việc làm tốt, giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể qua đường bài tiết, nhưng nếu đi quá nhiều lần thì sẽ ảnh hưởng đến một số bộ phận trong cơ thể, cần thay đổi một số thói quen sau đây.
Những bệnh nhân có “bàng quang hoạt động quá mức”, tức là những người có nhu cầu đi tiểu quá mức, thường có chất lượng cuộc sống giảm đi đáng kể so với những người bình thường. Bàng quang hoạt động quá mức được chẩn đoán khi cơ bàng quang hoặc dây thần kinh bài tiết bất thường, dấu hiệu nhận biết là đi tiểu trên 8 lần mỗi ngày, mức độ tiểu gấp không thể chịu nổi, thức dậy một hoặc hai lần trong đêm để đi tiểu. Tuy nhiên, các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức này có thể được giảm bớt đáng kể bằng cách tuân theo một số quy tắc sau.
Duy trì cân nặng bình thường: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, trọng lượng của bạn sẽ gây áp lực lên bàng quang, có thể gây són tiểu ngay cả khi bàng quang không chứa đủ nước tiểu.
Hạn chế Caffeine và rượu: Caffeine và rượu kích thích bàng quang, gửi tín hiệu “muốn đi tiểu” ngay cả khi không có nhiều nước tiểu. Ngoài ra, việc cắt giảm đồ uống có ga và thức ăn cay cũng có thể hữu ích cho bàng quang.
Uống nước đúng cách và lượng vừa phải: Uống nhiều nước là thói quen tốt nhưng nếu uống quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể đi tiểu thường xuyên, sau đó hình thành thói quen đi tiểu dù chỉ uống một chút nước. Ngược lại, uống quá ít nước có thể khiến nước tiểu đặc lại trong bàng quang và gây tác động xấu lên bàng quang. Lượng nước uống nên từ 1000ml trở lên và 2400ml trở xuống mỗi ngày.
Kiểm soát số lần đi tiểu: Thường xuyên kiểm tra số lần đi tiểu mỗi ngày, sau đó dần tăng khoảng thời gian mỗi lần đi lên 30 phút. Đặt mục tiêu giảm số lần đi tiểu xuống dưới 7 lần một ngày. Bạn có thể thay đổi thói quen đi tiểu thường xuyên mà không cần nhịn tiểu. Tuy nhiên, những người không có bàng quang hoạt động quá mức có thể bị viêm bàng quang nếu họ nhịn tiểu.
Luyện tập cơ vùng chậu: Nếu có thể tăng khả năng kiểm soát cơ bàng quang, thì có thể cải thiện khả năng giữ nước tiểu. Bạn có thể thực hiện động tác này bằng cách nâng mông khi nằm ngửa.
Nếu tình trạng ‘bàng quang hoạt động quá mức’ không giải quyết được ngay cả khi đã áp dụng thói quen mới trên, thì có thể cân nhắc điều trị bằng thuốc hoặc Botox. Thuốc antimuscarinic chủ yếu được sử dụng để ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholine) co bóp bàng quang. Cần uống liên tục từ 3-6 tháng, nhưng 20-50% bệnh nhân không thấy hiệu quả rõ rệt. Trong trường hợp này, bạn có thể được điều trị bằng Botox. Botox làm tê liệt các cơ bàng quang, khiến chúng ít nhạy cảm hơn với việc đi tiểu. Đưa một ống tiêm vào niệu đạo (đường dẫn nước tiểu ra ngoài) và tiêm botox vào 20-30 vị trí trên thành trong của bàng quang. Hiệu quả điều trị kéo dài trung bình 6 tháng.