Gia đình cho biết, diễn viên hài Anh Vũ tắm rất khuya sau khi đi diễn về, nghi ngờ đây là nguyên nhân khiến anh tử vong lúc nào không hay.
Thông tin nghệ sĩ >Anh Vũ qua đời rạng sáng 1/4 khi đang lưu diễn ở California, Mỹ khiến đồng nghiệp và khán giả vô cùng bàng hoàng, thương tiếc.
Dù hiện tại, nguyên nhân cụ thể khiến Anh Vũ tử vong chưa được cơ quan chức năng thông báo, song phía gia đình nghi ngờ có thể do >đột quỵ.
Một thành viên của gia đình cho biết: "Anh ấy đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm, bị đột quỵ và rồi ra đi lúc nào không ai biết. Cảnh sát đã đưa thi thể anh đến nhà xác. Có lẽ sẽ không khám nghiệm tử thi. Sau khi làm xong các thủ tục, gia đình sẽ đưa thi thể anh về nước".
Dựa trên các dữ liệu y khoa, TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định tắm gội đêm là nguy cơ gây đột quỵ mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc mất trí nhớ thoáng qua.
Nguy cơ đột quỵ vào mùa đông cao hơn mùa hè. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu nhiệt độ giảm 5 độ C sẽ khiến tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng thêm 7%.
Tuy nhiên, TS Chính cho biết, các thống kê chỉ ra đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày từ 8-12h. Ban đêm cũng xảy ra nhưng không thường xuyên.
Trừ trường hợp những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ, thì đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào.
Dù vậy, ngay cả khi bạn không có các yếu tố nguy cơ đặc biệt gây đột quỵ cũng không nên tắm khuya, nhất là vào những ngày trời lạnh. Nguyên do vào ban đêm, trời lạnh, mạch máu luôn co lại. Khi tiếp xúc với nước ấm sẽ giãn ra khiến máu dồn ra ngoại vi đột ngột, là nguyên nhân gây hiện tượng choáng váng, ngất xỉu sau tắm.
Tắm đúng cách vào mùa đông
TS Chính khuyến cáo, để tránh hiện tượng choáng váng sau tắm, cơ thể cần làm quen với nước từ từ bằng cách để vùng chân, tay tiếp xúc với nước trước rồi mới đến toàn thân.
Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm là bằng nhiệt độ cơ thể, không quá nóng, quá lạnh, tốt nhất từ 38 độ trở xuống và cần tắm ở nơi kín gió. Trường hợp tắm nước quá nóng đột ngột sẽ phá vỡ chất dầu trên da, nở lỗ chân lông, giãn huyết quản, tăng áp lực cho tim.
Ngoài ra, mọi người nên vận động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi tắm. Sau khi ngâm mình trong nước nóng, cần đứng dậy một cách từ từ.
Người dân cũng không nên tắm quá lâu (không nên quá 10 phút) hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Vào những đợt lạnh sâu, không cần tắm hàng ngày, chỉ cần 2-4 buổi/tuần.
Những người vừa ra ngoài về cơ thể đang lạnh, vừa đi thể dục về không nên tắm nước nóng ngay, nhất là khi tắm xong ra ngoài không mặc đủ ấm sẽ dễ bị nhiễm lạnh, bị cảm.
Khi ăn no, cần phải nghỉ ngơi 1-2 tiếng trước khi tắm. Việc ngâm mình ngay trong nước nóng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thức ăn, dẫn đến các bệnh về tiêu hoá.
Trường hợp bị choáng váng sau tắm, cần nằm nghỉ ngơi, nằm đầu thấp giúp máu phân bố lại tốt hơn và hiện tượng choáng váng sẽ hết sau một khoảng thời gian ngắn.