Đây có thể là những lý do khiến bạn phải vật lộn với tình trạng dị ứng mỗi khi mùa thu tới mà không hay biết vì sao.

00:25 19/10/2021

Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ (AAFA), dị ứng theo mùa xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể đang cố gắng chống lại chất gây kích thích bằng cách giải phóng histamin, từ đó tạo ra một loạt các triệu chứng khó chịu. Những tác nhân gây kích ứng có thể bao gồm nấm mốc, phấn hoa và cỏ dại xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.

Purvi Parikh, chuyên gia y khoa kiêm nhà dị ứng học của Tổ chức Dị ứng và Hen suyễn giải thích, người mắc dị ứng trở nên quá nhạy cảm với các chất gây kích ứng như phấn hoa. Hệ thống miễn dịch của họ liên tục sản sinh kháng thể, sau đó giải phóng histamin khi tiếp xúc với hạt phấn. Tuy nhiên, nếu xác định được nguyên nhân gây kích ứng, bạn có thể dễ dàng kiểm soát tình trạng này.

Dị ứng vào mùa thu gây ra triệu chứng gì?

Dị ứng theo mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề >sức khỏe liên quan tới virus và bệnh nhiễm trùng trong thời tiết trở lạnh.

Dị ứng thường gây ra các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, nhức đầu, phát ban và ngứa họng. Trong trường hợp nghiêm trọng, khó thở hoặc sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng. Theo chuyên gia Purvi, nhiều người bỏ qua các triệu chứng dị ứng do chúng trùng lặp với dấu hiệu cảnh báo cảm lạnh hoặc cúm.

Cách phân biệt dễ nhất là dị ứng không gây sốt. Tình trạng này thường gây ngứa trong khi cảm lạnh và cúm lại dẫn đến các triệu chứng như đau nhức cơ thể, gặp vấn đề về dạ dày và sốt. Dù vậy, bạn vẫn nên đi khám nếu không biết bản thân đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe nào.

Những chất gây dị ứng nào xuất hiện nhiều vào mùa thu?

Cách điều trị dị ứng tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Joseph Leija, chuyên gia y khoa kiêm người sáng lập Tổ chức Dị ứng Gottlieb cho biết, phấn hoa và cỏ phấn hương có xu hướng giảm mạnh vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, một khi mưa xuống, cỏ dại sẽ mọc không phanh và tạo ra một lượng lớn chất gây kích ứng. Theo AAFA, một cây cỏ phấn hương tạo ra tới 1 tỷ hạt phấn và chúng có thể theo gió bay đến nơi xa.

Ngoài phấn hoa, nấm mốc cũng là vấn đề khiến những người mắc dị ứng phải quan tâm. Mùa thu thường đi kèm với lá rụng và nếu không vệ sinh kịp thời, chúng sẽ tạo môi trường cho nấm mốc sinh sôi. Nếu hít phải, các triệu chứng hen suyễn có thể trở nên trầm trọng hơn, gây khó thở, thở khò khè và dẫn tới một loạt những vấn đề về hô hấp khác.

Hơn nữa, những khu vực ẩm thấp cũng là nơi tuyệt vời cho nấm mốc trú ngụ. Chuyên gia Joseph khuyên, người mắc dị ứng nên dùng máy hút ẩm ở tầng dưới và vệ sinh khu vực này thường xuyên để tránh nấm mốc theo không khí bay lên các tầng trên.

Cần tránh điều gì để kiểm soát dị ứng?

Những người mắc dị ứng nên tránh mở cửa sổ để ngăn ngừa phấn hoa, bụi hoặc các chất gây kích ứng khác bay vào nhà.

Rachna Shah, bác sĩ chuyên khoa dị ứng kiêm giảng viên tại Trường Y Loyola cho biết, số lượng phấn hoa thường lên đến đỉnh điểm từ sáng sớm tới 10 giờ sáng. Do đó, người mắc dị ứng không nên hoặc hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian này. Phấn hoa có thể bám vào mọi thứ, từ tóc, da đến quần áo. Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể thực hiện những việc làm dưới đây:

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.

- Tắm và thay quần áo thường xuyên.

- Chải hoặc lau sạch thú cưng sau khi đưa đi dạo.

- Để giày bên ngoài.

- Đóng kỹ các cửa sổ.

Ngoài ra, sai lầm nhiều người mắc phải là không sử dụng thuốc trị dị ứng đúng cách. Theo bác sĩ Rachna, phải mất khoảng 2-3 ngày để thuốc phát huy tác dụng và bạn không thể ngừng uống dù cảm thấy đỡ hơn hoặc số lượng phấn hoa giảm mạnh. Các tác nhân gây dị ứng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và áp suất khí quyển. Do đó, dùng thuốc đều đặn sẽ giúp cơ thể sẵn sàng khi phấn hoa nhiều trở lại.

Làm thế nào để kiểm soát dị ứng?

Nếu liên tục hắt hơi hoặc ngứa mắt vào mùa thu, bạn có khả năng đang bị dị ứng với một thứ gì đó trong không khí. Chuyên gia Purvi khuyên, hãy đến gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và thực hiện kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Người mắc dị ứng có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn để kiểm soát các triệu chứng.

Corticosteroid dạng xịt hoặc thuốc làm thông mũi đều có tác dụng giảm thiểu tình trạng sưng mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi hoặc ngứa mũi. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong 1-2 ngày nhằm tránh các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Kem bôi và các loại thuốc mỡ chứa corticosteroid dùng để điều trị phát ban, ngứa. Dù vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng này không cải thiện sau một tuần.

Thuốc kháng histamin có nhiều dạng, từ viên nén, dạng lỏng tới thuốc xịt. Do loại thuốc này ngăn chặn cơ thể giải phóng histamin, bạn sẽ thấy các triệu chứng như hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt và phát ban được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng.

(Nguồn: Pre) 

Theo Nhung Mai/Tổ Quốc
Tags