Cảm lạnh rất hay biến thành viêm phế quản. Việc nhận ra điều gì là bình thường và khi nào có điều gì đó nghiêm trọng hơn xảy ra là rất quan trọng. Dưới đây là những gì phải biết khi bệnh lạnh khó chịu trở thành viêm phế quản.
Có cần gọi bác sĩ khi bị ho?
Ho là triệu chứng phổ biến của cảm lạnh. Đó là cách để cơ thể loại bỏ đờm hoặc chất nhầy. Nhưng nếu ho vẫn còn dai dẳng sau khi cảm lạnh đã hết, thì hãy liên hệ với bác sĩ.
Sẽ hữu ích nếu bạn kể cho bác sĩ biết mình đã bị ho bao lâu, có bất kỳ hoạt động hay tiếp xúc nào có vẻ làm cho ho tệ hơn không, bạn có nhận thấy bất kỳ cảm giác khác biệt hoặc khác thường nào không và bạn có ho ra đờm không.
Nếu ho ra đờm đặc màu xanh lá cây hoặc màu vàng, hoặc nếu bạn thở khò khè, sốt cao hơn 38o3, đổ mồ hôi ban đêm, hoặc ho ra máu, bạn cần đi khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng hơn cần được chẩn đoán và điều trị.
Ho dai dẳng có thể là dấu hiệu của hen phế quản, đôi khi được gọi là "hen phế quản thể ho". Các tác nhân gây hen phế quản thể ho bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm, bụi, không khí lạnh, gắng sức hoặc dị ứng. Hen phế quản có thể là thủ phạm của tới 25% số trường hợp ho mãn tính. Nếu cơn hen không xảy ra, bạn có thể không nhận ra là phổi có liên quan.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản xảy ra khi đường hô hấp trong phổi bị viêm và tạo ra quá nhiều chất nhầy. Có hai thể viêm phế quản chính:
• Viêm phế quản cấp hay gặp hơn và thường do nhiễm vi-rút. Các đợt viêm phế quản cấp có thể liên quan đến và trở nên nặng hơn do hút thuốc lá. Thể viêm phế quản này thường được mô tả là nặng hơn cảm lạnh nhưng không nặng bằng viêm phổi.
• Viêm phế quản mạn tính là ho kéo dài từ hai đến ba tháng mỗi năm trong ít nhất hai năm. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản mãn tính.
Các triệu chứng của viêm phế quản là gì?
Các triệu chứng của viêm phế quản bao gồm:
• Ho thường xuyên và có đờm
• Thiếu sinh lực
• Âm thanh khò khè khi thở
• Sốt
Có nên gọi bác sĩ khi bị viêm phế quản không?
Đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
• Ho kéo dài quá hai đến ba tuần
• Sốt
• Ho ra máu hoặc đờm đặc hoặc có màu
• Khó thở hoặc thở khò khè
Có thể điều trị viêm phế quản ở nhà không?
Nếu bị viêm phế quản, nên:
• Uống nước mỗi 1-2 giờ, trừ khi bác sĩ hạn chế bạn uống nước
• Nghỉ ngơi
• Không hút thuốc lá
• Giảm đau nhức cơ thể bằng cách uống các thuốc giảm đau chống viêm không corticoid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen hoặc một loại thuốc giảm đau khác như acetaminophen (Tylenol). (Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, hãy nói chuyện với bác sĩ để chắc chắn rằng NSAID hoặc acetaminophen không ảnh hưởng đến chúng. Trẻ em không nên uống aspirin. Ngoài ra không nên dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn cho trẻ dưới 4 tuổi.
• Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về các cách để giúp làm sạch đờm.
• Nếu ho có đờm, hãy để ý mức độ ho thường xuyên cũng như màu sắc và lượng chất nhầy. Nói cho bác sĩ biết điều này.
Nếu bị ho khan và ho ít hoặc không có đờm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ho để ngăn cơn ho. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc long đờm giúp làm loãng chất nhầy để ho dễ hơn.
Vì vi-rút gây ra hầu hết các trường hợp viêm phế quản, thuốc kháng sinh thường không hữu ích hoặc cần thiết. Các trường hợp ngoại lệ sẽ là viêm phế quản do nhiễm khuẩn hoặc viêm phế quản ở người bị suy giảm chức năng phổi.
Làm thế nào để tránh bị viêm phế quản?
• Không hút thuốc.
• Không cho phép người khác hút thuốc trong nhà.
• Tránh xa hoặc giảm thời gian tiếp xúc với những thứ gây kích ứng mũi, họng và phổi, như bụi hoặc vật nuôi.
• Nếu bị cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi nhiều.
• Dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
• Ăn uống lành mạnh.
• Rửa tay thường xuyên.
• Không dùng chung thức ăn, bát đũa cốc chén...