Chỉ bằng những phương pháp đơn giản để khoẻ mạnh cả về thể chất và tâm lý, danh y này đã sống thọ qua mốc 100 tuổi dễ dàng.
Quốc y >đại sư Đặng Thiết Đào sinh năm 1916, là một bác sĩ Trung Quốc nổi tiếng và là bậc thầy y học cổ truyền quốc gia đầu tiên. Ông được trao tặng “Giải thưởng Thành tựu trọn đời” bởi Hiệp hội Y học Cổ truyền Trung Quốc. Trong hơn 80 năm sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu y tế, danh y này đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp y học phát triển của Trung Quốc.
Năm 2019, Quốc y đại sư họ Đặng qua đời, hưởng thọ 104 tuổi. Khi còn sống, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn có khả năng nghe rõ ràng, tư duy sáng suốt, ngôn ngữ lưu loát, bước đi vững chắc. Để có >sức khỏe dẻo dai và sống thọ như vậy, Đặng Thiết Đào tuân thủ nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi ngày đều kiên trì thực hiện những thói quen sau:
1. Làm việc và nghỉ ngơi có quy luật
Quốc y đại sư Đặng Thiết Đào thức dậy lúc 7h sáng, uống một ly nước nóng khi dạ dày rỗng, chải tóc, tự xoa bóp mát xa. Sau đó ông thực hiện vài động tác khởi động như đánh gối, tập Bát đoạn cẩm (một bài tập dưỡng sinh lâu đời của Trung Quốc) trên ban công rồi trở về phòng để đo huyết áp.
Khoảng thời gian buổi sáng: 8h30 ăn sáng, đọc sách báo sau bữa ăn, uống trà nóng lúc 11h, ăn trưa lúc 12h và bắt đầu thời gian nghỉ trưa vào khoảng 13h30. Khoảng thời gian buổi chiều: 15h30 thức dậy, 16h30 đi bộ, đứng 20 phút, tự xoa bóp bấm huyệt khoảng 20 phút.
Khoảng thời gian buổi tối: 18h ăn bữa tối, tắm nước nóng và lạnh luân phiên lúc 21h00, trở về phòng để đo huyết áp, ghi lại huyết áp, ngâm chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ vào mùa đông.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Nhiều người hỏi danh y Đặng Thiết Đào ăn gì để sống lâu, ông trả lời rằng mình ăn tất cả các loại thực phẩm một cách cân bằng, không kiêng khem loại nào, quá nhiều hay quá ít một loại đều không có lợi.
Chế độ ăn uống của ông Đặng về cơ bản là: ăn 3 bữa một ngày và có định lượng cố định, tuân thủ mỗi bữa ăn chỉ ăn no 70% và ăn nhạt. Thực phẩm ông ăn chủ yếu là gạo, kết hợp với rau và trái cây, cùng một lượng khoai tây nhất định, yến mạch, đậu, kiều mạch,… >Danh y ưu tiên ăn cá, tiếp theo là thịt gà, tôm, trứng,… càng cân bằng >dinh dưỡng càng tốt.
Ngoài ra, danh y này còn chú ý thay đổi chế độ ăn theo mùa để có thực phẩm tươi ngon nhất, mùa hè thời tiết nóng thì ưu tiên các món giải nhiệt như mướp đắng, cháo, canh nhạt, cam quýt…
3. Giữ tâm trí ổn định
Quốc y đại sư Đặng Thiết Đào rất coi trọng sức khỏe tinh thần nên ông duy trì thói quen thiền. Khi ngồi thiền, thân thể thả lỏng, nhắm mắt tự nhiên, đầu óc không suy nghĩ, 2 tay đặt trước bụng chỉ tập hít và thở theo nhịp ổn định 30 phút mỗi ngày sẽ cải thiện chức năng phổi và hệ hô hấp.
Ngồi thiền không chỉ tốt cho tim, não, toàn bộ cơ thể mà còn có thể giúp các huyết mạch lưu thông thuận lợi hơn, tạo sức bền cho cơ thể. Rèn luyện thành thói quen sẽ giúp tráng kiện hơn lên mỗi ngày.
4. Tắm nước nóng và lạnh luân phiên
Giáo sư Đặng kiên trì thói quen tắm luân phiên nước nóng và lạnh 10 phút suốt mấy chục năm. Cụ thể, vào mùa hè, ông thường tắm nước lạnh trước, sau đó sẽ tắm nước nóng, mùa đông thì ngược lại, tắm nước ấm trước sau đó sẽ tắm nước lạnh.
Nhờ duy trì thói quen này nên dù tuổi cao da vẫn có độ đàn hồi, rất ít dấu hiệu tuổi già, giúp lưu thông mạch máu toàn thân. Lưu ý rằng người cao tuổi, bệnh nhân bị huyết áp cao, khi mới bắt đầu tắm phải chú ý đến nhiệt độ nước không được chênh lệch quá lớn với thân nhiệt, phải đợi cho đến khi cơ thể thích nghi thì có thể tăng hay giảm nhiệt độ.
5. Chải tóc thường xuyên
Quốc y đại sư sử dụng lược sừng để chải đầu mỗi ngày sau khi thức dậy giúp khơi thông các dây thần kinh trong đầu, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu, đồng thời giúp rèn luyện sức mạnh cánh tay, phòng ngừa chứng tê cứng vai. Ngoài ra, chải tóc còn giúp giảm triệu chứng các bệnh thần kinh yếu, đau đầu do mất ngủ, căng thẳng, cao huyết áp,...ngăn ngừa được tình trạng rụng tóc và giảm tóc bạc.
Mặc dù phương pháp dưỡng sinh của giáo sư Đặng có vẻ đơn giản nhưng nếu duy trì đúng cách, đều đặn có thể giúp bạn có trạng thái sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn.