Để có một nụ cười sáng bóng hoàn hảo thì mỗi người chúng ta đều cần có sự chăm sóc tỉ mỉ chứ không chỉ là việc đánh răng 2 lần mỗi ngày. Bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, vệ sinh răng miệng cũng là cách để phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến chết người.
Theo thông tin từ Tổ chức >sức khỏe răng miệng (OHF), vệ sinh răng miệng kém không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn có khả năng dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như bệnh tim mạch, nhiễm trùng máu... Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý để có một hàm răng trắng khỏe, sáng bóng, tránh được các bệnh về răng miệng và những vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Bàn chải điện chưa hẳn đã cần thiết
Theo các chuyên gia cho biết, răng có sạch hay không là nằm ở kỹ thuật chải răng chứ không phụ thuộc vào những món đồ công nghệ đắt tiền. Bạn cần phải chú ý chải kỹ ở phần chân răng, giữa các kẽ răng chứ không phải chỉ đánh qua loa trên bề mặt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn loại bàn chải lông mềm, mỏng và linh hoạt để trong quá trình đánh, bạn không tác động quá nhiều lực và khiến cho lớp men răng bị bào mòn.
Đánh răng trước bữa sáng
Sau khi ăn, nồng độ axit trong khoang miệng sẽ tăng lên nên việc đánh răng chẳng khác gì bạn đang chà cho axit thấm càng sâu hơn vào men răng. Vấn đề càng trở nên tệ hơn khi bữa sáng của bạn có nước trái cây chứa nhiều đường và axit như nước cam, chanh.
Các nha sĩ khuyên rằng bạn nên đánh răng ngay sau khi vừa ngủ dậy để làm sạch miệng sau một đêm tích tụ vi khuẩn. Tốt nhất hay đợi 30 phút sau khi đánh răng mới ăn sáng để các hoạt chất trong kem có đủ thời gian để hoạt động trên bề mặt răng. Ngoài ra, sau khi ăn xong bạn cũng nên uống một cốc nước lọc để tráng bớt axit dư thừa trong khoang miệng.
Làm sạch lưỡi rất quan trọng
Hôi miệng có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân và lưỡi bẩn là một trong số nguyên nhân chính. Lưỡi giống như một “tấm thảm” chứa đầy vi khuẩn và cặn thức ăn, vì thế nếu không thường xuyên được làm sạch, nó sẽ khiến cho hơi thở của bạn bốc mùi, vệ sinh răng miệng cũng không hoàn toàn sạch sẽ. Để làm sạch lưỡi, bạn có thể sử dụng đồ cạo lưỡi chuyên dụng hoặc đơn giản hơn, bạn có thể dùng bàn chải để quét nhẹ lên lưỡi sau khi đánh răng xong.
Sai lầm khi dùng nước súc miệng
Nhiều người có thói quen đánh răng xong liền dùng nước súc miệng với suy nghĩ sẽ làm cho hơi thở thơm mát hơn. Tuy vậy đây lại là thói quen vô ích, thậm chí ảnh hưởng đến tác dụng của kem đánh răng. Kem đánh răng chứa flour thường vẫn tiếp tục tác động lên men răng sau khi bạn đánh răng xong. Vì vậy bạn không nên dùng nước súc miệng ngay mà hãy chọn vào một thời điểm khác trong ngày.
Dùng chỉ nha khoa cũng quan trọng không kém!
Chỉ riêng việc đánh răng chỉ có thể làm sạch được khoảng 60% trên bề mặt răng. Nhưng vi khuẩn thì hình thành sâu bên trong các kẽ răng, nơi mà đầu lông bàn chải không thể chải tới được. Và để làm sạch kẽ răng, hạn chế tình trạng viêm nhiễm nướu, sâu răng và hôi miệng, bạn cần phải sử dụng thêm chỉ nha khoa sau mỗi lần đánh răng.
Sinh tố chưa hẳn đã tốt
Khi nói đến vấn đề vệ sinh răng miệng, những thứ ngọt ngào và tốt cho sức khỏe nói chung như sinh tố thì chưa hẳn đã có tác động tốt lên răng. Các đốm sâu răng được hình thành khi đường trong thức ăn bị vi khuẩn trong miệng chuyển hóa thành axit phá hủy men răng. Các nha sĩ khuyên rằng sau khi uống nước trái cây hay sinh tố, bạn cần phải súc miệng bằng nước hoặc uống một cốc nước lọc để làm sạch miệng, hạn chế axit hình thành.
Răng miệng sạch có thể cứu mạng người
Theo số liệu khảo sát, những bệnh nhân mắc bệnh về nướu thường tăng gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh mạch vành. Giải thích về điều này, giám đốc điều hành của Tổ chức sức khỏe răng miệng, ông Nigel Carter cho biết: “Bệnh nướu răng làm cho vi khuẩn từ miệng có khả năng đi vào máu. Các vi khuẩn này tạo ra một loại protein làm cho các tiểu cầu trong máu vón lại trong các mạch máu của tim, có nghĩa là các cục máu đông dễ dàng hình thành hơn”.
Bên cạnh bệnh tim mạch, từng có trường hợp bệnh nhân tại Trung Quốc bị sâu răng lâu ngày không chữa dẫn đến nhiễm trùng tủy, lây lan sang các khu vực xung quanh miệng và dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi ông ta được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn màng.
Một trường hợp khác gây ra cái chết đáng tiếc của cậu bé 12 tuổi người Mỹ là do chứng áp xe răng lây sang não không cứu chữa kịp thời. Chứng áp xe răng xuất hiện cũng là do vệ sinh răng miệng không đảm bảo gây nhiễm trùng, làm sưng mô, huỷ hoại chân răng. Khi chân răng bị chết, ta sẽ mất cảm giác đau đớn nhưng nhiễm trùng thì vẫn tiếp tục hoạt động. Nó có thể lây lan sang những vùng lân cận, nguy hiểm nhất là lây sang não vì có khả năng gây tử vong.
Khi tiếp xúc với ai đó lần đầu tiên, chúng ta dễ bị ấn tượng nhất và thường hay để ý nhiều nhất đó chính là ở hàm răng và nụ cười của họ. Một người với hàm răng ố vàng, khấp khểnh hay hơi thở bốc mùi sẽ khiến cho họ bị mất điểm trong rất nhiều mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến sự tự tin và khả năng giao tiếp của họ.
Người ta luôn nói, cái răng cái tóc là góc con người, bởi vì răng cũng cần được chăm sóc giống như bạn dưỡng da, dưỡng tóc hàng ngày. Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn xem nhẹ chuyện vệ sinh răng miệng, thậm chí họ còn lảng tránh việc phải đến nha sĩ định kỳ mỗi 6 tháng vì cho rằng quá tốn kém. Trong khi đó, họ có thể bỏ ra chi phí hàng triệu đồng mỗi tháng để sắm sửa quần áo, mỹ phẩm, làm móng, wax lông… mà vẫn thấy đó là điều rất bình thường.
Đừng bỏ qua các dấu hiệu đau răng, sâu rằng bạn nhé, vì tình trạng tưởng chừng rất đơn giản này lại có thể ảnh hưởng đến cả mạng sống đấy!