Tính đến nay đã có 50 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, dự báo thời gian tới bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Tăng gấp 3 lần số ca mắc >sốt xuất huyết so với năm 2018
Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay ghi nhận 250.000 ca mắc sốt xuất huyết với 50 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gần 3 lần.
Đặc biệt từ tháng 8 đến nay, số ca mắc mới tăng cao và sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì tháng 11 thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển. Đây cũng được nhận định là thời điểm “đỉnh” của dịch sốt xuất huyết.
Được biết, hiện khu vực miền Nam đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc bệnh với gần 159.000 trường hợp, tiếp sau đó là miền Trung hơn 61.000 trường hợp, Tây Nguyên hơn 38.900 trường hợp, miền Bắc hơn 18.000 trường hợp mắc căn bệnh này.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 10 đến nay, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng phải nhập viện ở Trung tâm bệnh Nhiệt đới trung bình 10-20 ca/ngày và số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày.
Gia đình chị M. ở Trương Định (Hà Nội), cả hai vợ chồng chị đều mắc sốt xuất huyết cách đây 2 tuần và đều phải nghỉ làm để theo dõi. Dù mắc bệnh phải theo dõi, nhưng chị M. vẫn cảm thấy may mắn vì đứa con mới 5 tháng tuổi của chị không mắc bệnh.
“Khi hai vợ chồng sốt liên tục trong 1 tuần, người cảm giác như không còn sinh lực. Cả gia đình quay cuồng, ông bà nội ngoại từ quê phải ra hỗ trợ để trông con nhỏ, nhưng vẫn còn may mắn là em bé không mắc bệnh”, chị M. chia sẻ.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai. Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Những triệu chứng sốt xuất huyết nguy hiểm cần tới viện gấp
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn,.. Giai đoạn sốt kéo dài từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 4 trở đi có thể xuất hiện các biến chứng nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng...
Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não-màng não… Nếu có các dấu hiệu nặng như trên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Cách xử trí trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng sốt xuất huyết bằng cách chườm mát, uống thuốc hạ sốt (paracetamol 500mg ở người lớn cứ 4 tiếng uống 1 viên nếu sốt trên 38,5 độ), bù dịch bằng đường uống (orerol, nước hoa quả, nước canh,…). Chỉ truyền dịch khi bệnh nhân không ăn uống được và phải được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Mặt khác, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.