Đột quỵ ở người trẻ có thể liên quan tới yếu tố gia đình đặc biệt là những người mang gen có nguy cơ về huyết khối và tiền sử trong gia đình có nhiều người đột tử.
28 tuổi đã >đột quỵ
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nam 28 tuổi vào viện vì đau đầu, và yếu nhẹ ½ nửa người trái.
Qua thăm khám phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ với tổn thương nhồi máu não vùng giáp ranh bên bán cầu phải và có hẹp động mạch cảnh phải 60%. Đánh giá tìm nguyên nhân đặc biệt về tim mạch, các yếu tố tăng đông,.. chưa thấy bất thường
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện một điều rất đặc biệt đó là bố bị tai biến mạch máu não năm 51 tuổi, 2 người chú của bố cũng đột tử năm 43 tuổi và năm 37 tuổi.
Chính vì vậy bác sĩ đã làm xét nghiệm về nguy cơ huyết khối và đã phát hiện ra kiểu gen MTHFR:A1298C dị hợp: PAI-1:4G/4G.
Theo PGS Mai Duy Tôn – Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, đây là trường hợp đầu tiên các bác sĩ đã phát hiện đột biến gen làm tăng nguy cơ huyết khối, không chỉ tăng nguy cơ gây tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim mà còn có thể gây nguy cơ đột quỵ thiếu máu não.
Trước đó, anh Nguyễn Văn C (36 tuổi, Hà Nội) đang chơi tennis cùng bạn anh đau đầu và ngã quỵ xuống đất. Bạn bè nhanh chóng gọi xe cấp cứu, khi tới bệnh viện các y bác sĩ cấp cứu nhưng anh C đã qua đời.
PGS Mai Duy Tôn cho rằng, những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi nên xem xét được tư vấn để sàng lọc về gen làm tăng nguy cơ huyết khối để có chiến lược điều trị dự phòng phù hợp cho bệnh nhân.
Những ai dễ bị đột quỵ
Theo Giáo sư Phạm Gia Khải, đột quỵ ở người trẻ do nhiều yếu tố như phình mạch máu não đây là bệnh lý bẩm sinh, ngoài ra yếu tố tăng lipid máu theo tiền sử gia đình đã được chỉ ra. Những gia đình có nhiều người bị tai biến mạch máu não thường được bác sĩ khuyến cáo nên xét nghiệm gen để có biện pháp dự phòng.
Giáo sư Khải cho biết đột quỵ não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ >dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Đột quỵ não có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ 10 năm trôi qua, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới và tiền sử gia đình cũng liên quan tới đột quỵ. Những người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Giáo sư Khải cho biết đây là những yếu tố gây đột quỵ mà người bệnh không thể làm thay đổi được chỉ có thể dự phòng được phần nào.
Ngoài ra, các yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ đó là bệnh lý tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh béo phì và đái tháo đường. Trong đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh lối sống không lành mạnh như ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ, Giáo sư Khải cho hay 90% các bệnh nhân đều có yếu hoặc liệt nửa người. Nếu thấy bệnh nhân đột ngột yếu nửa người hoặc méo miệng hoặc rối loạn ngôn ngữ cụ thể là lời nói không còn nghe rõ được,… những triệu chứng này được xem là những triệu chứng đáng tin cậy để nghi ngờ đây là bệnh nhân đột quỵ.
Hãy gọi ngay xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng những phương tiện phù hợp nhất. Người bệnh cần cấp cứu nhanh nhất vì thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.