Cô gái nhập viện trong tình trạng rét run, kèm theo sốt cao, đau đầu, buồn nôn và có ý thức lơ mơ, gọi hỏi không trả lời.

Quỳnh Anh (T/h) 09:53 17/06/2024

Căn bệnh nguy cơ cao để lại di chứng thần kinh

Bệnh nhân 21 tuổi, sống tại Nghi Sơn, Thanh Hóa được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rét run, kèm theo sốt cao, đau đầu, buồn nôn và có ý thức lơ mơ, gọi hỏi không trả lời.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ tư từ khi xuất hiện triệu chứng. Tại bệnh viện, cô gái được làm xét nghiệm và chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não.

Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính virus viêm não Nhật Bản (JEV IgM (+)).

Ảnh minh họa

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em. Người trưởng thành ít khi mắc căn bệnh này do thường đã có miễn dịch từ vaccine hoặc do từng bị mắc bệnh triệu chứng nhẹ trong quá khứ.

Chuyên gia này nhận định, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm khi nguy cơ cao để lại các di chứng thần kinh nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày, trung bình khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát như: đột ngột sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn.

Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1-2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng…

Theo chuyên gia này, với viêm não Nhật Bản cần tập trung điều trị nội khoa trong 7 - 14 ngày đầu ngăn tình trạng chuyển nặng thì tiên lượng bệnh nhân sẽ rất tốt. Sau 14 ngày, tiên lượng sẽ thấp hơn. Giai đoạn này thường bệnh đã để lại các di chứng về thần kinh.

Các bác sĩ chỉ điều trị di chứng và ngăn bệnh nặng hơn, khả năng cải thiện của bệnh nhân là rất thấp.

Với trường hợp bệnh nhân A., sau gần 20 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thỉnh thoảng còn nói lẫn, sai chủ đề. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị thêm.

 

Theo BS Thiệu, viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (25 - 35%) hoặc di chứng thần kinh nghiêm trọng vĩnh viễn…

"Các di chứng thần kinh thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội", BS Thiệu cho hay.

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào?

Con người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản khi muỗi culex (muỗi ruộng) hút máu của các động vật mang mầm bệnh sau đó tiếp tục đốt người.

Theo ghi nhận, ở Việt Nam các ổ dịch viêm não Nhật Bản phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.

Con người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản khi muỗi culex (muỗi ruộng) hút máu của các động vật mang mầm bệnh sau đó tiếp tục đốt người (Ảnh minh họa)

Theo BS Thiệu, tiêm phòng vaccine là biện pháp bảo vệ bản thân quan trọng nhất trước viêm não Nhật Bản.

"Cần chú ý tiêm đủ liều, đúng phác đồ để vaccine phát huy tối đa giá trị miễn dịch. Người trưởng thành không nhớ tiền sử tiêm vaccine viêm não Nhật Bản của mình hoàn toàn có thể tiêm lại", BS Thiệu phân tích.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây:

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.

- Cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

- Tiêm vaccine đầy đủ và tuân thủ đúng lịch tiêm viêm não Nhật Bản. Việc tiêm chủng được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 9 tháng tuổi trở lên).

Theo Thúy Ngà/Gia đình Việt Nam