Là 1 trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể nhưng cơ chế thải độc như thế nào, cùng tìm hiểu ngay.

05:10 17/10/2018

Gan là bộ phận quan trọng trong cơ thể - ai cũng biết, thế nhưng bạn tin không, bộ phận nặng khoảng 1,4kg này lại phải làm việc "hùng hục" tới 24 giờ/ngày?

Nhìn thoạt qua thì chẳng mấy quan trọng nhưng lá gan "nhỏ bé" kia lại thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau như một kho chứa, một trung tâm sản xuất hay một nhà máy xử lý chất độc hại. Và mỗi chức năng này lại liên quan đến nhiều nhiệm vụ trọng yếu khác.

Không sai khi nói rằng, nếu không có lá gan, cơ thể chúng ta sẽ ngừng hoạt động.

Một trong những hoạt động chính của gan đó là lọc máu. Gan nhận "hàng" từ 2 nguồn chính. Động mạch gan lấy máu từ tim và tĩnh mạch cửa lấy máu từ ruột.

Hai nguồn này chuyển đến gan nhiều chất >dinh dưỡng. Tại đây, nó được phân loại và xử lý, lưu trữ với sự giúp đỡ của hàng ngàn "nhà máy xử lý" rất nhỏ bên trong được gọi là tiểu thùy gan. Các dòng máu này cũng mang theo oxy giúp gan hoạt động tốt.

Dòng máu từ ruột chứa nhiều carbonhydrate, chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Và đương nhiên, chúng sẽ được xử lý khác nhau.

Với carbonhydrate, gan sẽ "bẻ gãy" và chuyển hóa chúng thành đường, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đôi khi, cơ thể giữ lại những chất dinh dưỡng chưa cần dùng tới và gan có nhiệm vụ "bảo quản" chúng ở trong một chiếc kho.

Kho lưu trữ này để dùng trong tương lai khi mà cơ thể "cầu cứu", cần thêm các chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, cùng với những chất dinh dưỡng thì dòng máu đến gan cũng ẩn chứa nhiều chất độc và phế phẩm mà cơ thể không thể sử dụng.

Gan quản lý chúng khá gắt gao. Khi phát hiện chất độc hoặc chất nào vô dụng, nó sẽ biến chúng thành thứ không gây hại cho cơ thể hoặc cô lập, thải ra ngoài qua đường thận và ruột.

Bên cạnh đó, gan cũng được cho là 1 nhà máy hữu ích khi sản xuất rất nhiều thứ từ protein huyết tương đến cholesterol (giúp cơ thể sản xuất hormone).

Gan cũng còn có thể tạo ra vitamin D và các chất hỗ trợ tiêu hóa. Một trong những sản phẩm quan trọng nhất của gan đó là dịch mật.

Dịch mật sử dụng các tế bào gan (được gọi là hepatocytes) để biến các sản phẩm độc hại dư thừa thành 1 chất dạng lỏng màu xanh.

Khi được sản xuất, chất dịch này được đưa đến 1 "bình chứa" nhỏ dưới gan được gọi là túi mật. Sau đó, nó nhỏ giọt vào ruột để giúp phân giải chất béo, tiêu diệt vi khuẩn, trung hòa axit.

Dịch mật màu xanh này còn giúp đưa các chất độc và phế phẩm từ gan ra ngoài cơ thể.

Và như bạn thấy, gan là cơ quan cực kỳ kì diệu, phải hoạt động nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Muốn hệ thống phức tạp này vận hành trơn tru, ta cần phải giữ cho nó khỏe mạnh, không bị quá tải bởi các chất độc nhé!

Theo G.P/Helino