Theo các chuyên gia y tế, hiện nay Việt Nam đang có những ca bệnh Covid-19 đi lại trong cộng đồng và chúng ta không biết họ là ai, ở đâu. Điều đó có nguy cơ lớn lây lan trong cộng đồng khi bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố dịch >Covid-19 trên toàn quốc, đồng thời ban hành chỉ thị 16 về thực hiện cách ly xã hội 15 ngày.
Đến nay, công tác phòng, chống dịch của chúng ta đã thành công trong 2 giai đoạn và đang kiểm soát được giai đoạn 3. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất lớn khi mà nguồn lây nhiễm đang chưa được làm rõ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - chuyên gia hàng đầu trong y tế dự phòng cho biết, hiện nay Việt Nam đang có những ca bệnh Covid-19 không rõ nguồn gốc, "tức là mất dấu F0". Người bệnh đi lại trong cộng đồng và chúng ta không biết họ là ai, ở đâu. Điều đó có nguy cơ lớn lây lan trong cộng đồng khi bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
Trước đây, những ca lây ra cộng đồng cơ quan chức năng có thể xác định được ca F0 như khu vực Trúc Bạch (Hà Nội) liên quan bệnh nhân 17, khu vực Bình Thuận liên quan bệnh nhân 34. Tuy nhiên đến ổ dịch tại quán bar Buddha (TP HCM) hay Bệnh viện Bạch Mai (tại khoa Thần Kinh và khu căng tin của Công ty Trường Sinh) thì không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên, nguồn lây.
Theo ông Nga, những nơi tập trung đông người như nhà máy xí nghiệp vẫn hoạt động, chợ, siêu thị, trại giam, trại cải tạo, bệnh viện, doanh trại quân đội... cần đặc biệt quan tâm vì có thể bùng phát dịch.
Thống kê cho thấy, 80% ca mắc Covid-19 không có dấu hiệu bệnh. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 3-4 ngày, họ có thể lây bệnh và sẽ lây mạnh và ngày thứ 5 và thứ 6. Tuy không có triệu chứng và không biết nhiễm lúc nào, nhưng nguyên tắc là ngày thứ 5 và 6 là đỉnh cao của lây nhiễm.
Ông Nga nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh nhiều ngày tới phụ thuộc vào việc chúng ta có quyết liệt hay không và ý thức của người dân như thế nào.
"Tôi khuyến cáo người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, thường xuyên rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, đứng cách nhau 2m", ông Nga nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc những trường hợp nhập cảnh có mang virus nhưng chưa phát hiện lâm sàng.
"Có thể trong những ngày tới sẽ phát hiện thêm những ca nhiễm virus trong cộng đồng. So sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20/3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc", ông Long nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu người dân chủ động, quyết liệt, phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn nguồn lây bệnh. Tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, giám sát chặt chẽ người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; bảo đảm an toàn tối đa cho nhân viên y tế. Nỗ lực bằng mọi biện pháp phù hợp để không để xảy ra dịch lớn.
Tiếp tục rà soát các kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, kể cả tình huống xấu, tình huống có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp, để đảm bảo chủ động, kịp thời trong ứng phó.
Đẩy nhanh quá trình mua sắm, cung ứng phương tiện, dụng cụ phòng hộ, đảm bảo đủ thuốc men, vật tư cho công tác điều trị; Tiếp tục đẩy mạnh phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, xử lý nghiêm việc thông tin thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi cản trở, khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh và bình tĩnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.
"Trong 15 ngày tới là giai đoạn vô cùng quan trọng với mục đích kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm lại quá trình lây nhiễm để ứng phó tốt hơn với nguồn bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.