Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, khả năng bệnh nhân 188 vừa dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh lây nhiễm cho những người khác là rất ít. Tuy nhiên, để an toàn cho người khác thì phải đưa vào điều trị, theo dõi tại cơ sở y tế.
Dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh
Bệnh nhân >Covid-19 số 188 cùng 2 đồng nghiệp ở công ty Trường Sinh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho xuất viện ngày 16/4
Ngày 19/4, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, >bệnh nhân 188 (nữ giới, ở thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) vừa có kết quả dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân này là nhân viên công ty Trường Sinh, làm việc tại nhà ăn bệnh viện Bạch Mai, nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam ngày 28/3. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày 16/4 sau khi cho kết quả 2 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 và được cho về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi.
Tuy nhiên, đến sáng 17/4, bệnh nhân có biểu hiện ho khan từng cơn, thân nhiệt đo được 36,8 độ, hơi tức ngực, không chảy nước mũi. Trước tình hình trên, CDC Hà Nội đã xét nghiệm và cho kết quả cho dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau đó, bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để kiểm tra và điều trị theo quy định.
Chuyên gia nhận định như thế nào?
Nói về trường hợp này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam nhận định, có thể có sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân.
“Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục thì lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại” - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia về lĩnh vực y tế dự phòng đưa ra một giả thiết đó là, loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, có thể có sự sai sót trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm.
Còn theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cần phải hiểu dương tính là phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh.
Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng gì, nhưng cũng có một số người xuất hiện triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại. Những tế bào này sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính.
Với những trường hợp như thế này, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương sẽ được làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không.
Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Quang Thái thì đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục, do đó mọi người có thể yên tâm.
“Để an toàn cho tất cả mọi người thì những trường hợp như bệnh nhân 188 sẽ được đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế. Việc này cũng để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với Y học hiện đại” - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay.
Còn theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, chưa thể khẳng định được việc những bệnh nhân khỏi bệnh rồi sau đó lại cho kết quả dương tính ít có khả năng lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, ngay sau khi có kết quả dương tính, CDC Hà Nội đã có biện pháp cách ly ngay đối với BN này.