Thông tin này sẽ khiến nhiều tín đồ của trà sữa phải nghiêm túc suy nghĩ, khi tính đến những tác hại lâu dài của đường đối với sức khỏe.
Từ lâu, các chuyên gia về >dinh dưỡng trên thế giới đã coi >trà sữa trân châu nói chung - là dạng đồ uống không tốt cho >sức khỏe. Thậm chí: trà sữa trân châu đường đen đang thịnh hành ở khắp mọi nơi gần đây đã được chứng minh là phiên bản trà sữa cực kỳ không lành mạnh.
Rõ ràng, thông tin này chưa thể ngăn cản chị em sà vào các chuỗi trà sữa mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết vì sao nó không lành mạnh, sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe trong thời gian dài.
Để đi đến kết luận này, cần phải xem xét các thành phần trong trà sữa trân châu đường đen.
Thứ nhất, bản thân các loại trà thường được coi là đồ uống tốt cho sức khỏe. Nhưng chỉ riêng trà mà thôi, cho đến khi nó được các thương hiệu trà sữa bổ sung thêm hàng loạt chất phụ gia để biến nó thành loại đồ uống "hợp mốt" - tác dụng tích cực với sức khỏe của trà đã bị hủy hoại.
Theo các chuyên gia tại Mount Alvernia, bệnh viện uy tín hàng đầu Singapore, thì: Trà đen và trà xanh có thể làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường. Tuy nhiên, khi thêm vào đó các loại bột kem không sữa (non-dairy), trân châu - tác dụng của trà sẽ biến mất, thậm chí gây hại cho cơ thể.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã xây dựng phác đồ về lượng đường trung bình cần thiết cho người lớn mỗi ngày, rơi vào khoảng 8 - 12 thìa cà phê. Tuy nhiên, thật không may, trà sữa trân châu đường đen lại phá vỡ mức cân bằng này, vì nó chứa trung bình 18,5 thìa cà phê đường trong mỗi cốc, thậm chí còn nhiều hơn tùy vào lượng topping.
Chưa kể, những loại "topping" thơm ngon hấp dẫn mà khách hàng yêu cầu bổ sung vào trà sữa khiến lượng đường tăng lên đáng kể - vì chúng đã được nấu với đường hoặc ngâm trong xi-rô đường trước khi được phục vụ.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England) thì: Lượng đường mà chúng ta ăn vào gần gấp 3 lần giới hạn khuyến nghị cho mọi lứa tuổi.
Nghiên cứu đã theo dõi chế độ dinh dưỡng của 101.257 người trong 5 năm. Cứ mỗi 6 tháng, người tham gia nghiên cứu sẽ hoàn thành ít nhất 2 bảng câu hỏi về chế độ dinh dưỡng.
Kết quả cho thấy: Cứ mỗi 100ml nước ngọt có ga được tiêu thụ mỗi ngày, sẽ nâng nguy cơ mắc ung thư của một người lên 18%. Đối với nước ép trái cây đóng chai, mức tăng là 12%; còn trà sữa và đồ uống pha đường nói chung là 19%. Còn đồ uống bổ sung chất làm ngọt nhân tạo (đường ăn kiêng) chưa được tính đến.
Tuy vậy, không có nghĩa là chị em sẽ phải buông bỏ hoàn toàn thức uống mà mình yêu thích, bởi luôn có những tùy chọn khôn ngoan hơn, lành mạnh hơn khi gọi trà sữa:
- Gọi size trà sữa nhỏ hơn, ít đường hơn (các chuyên gia khuyến khích ở mức 30% đường hoặc thấp hơn).
- Gọi những loại topping ít calo hơn (lô hội, trân châu trắng), tốt nhất là không bổ sung topping.
- Yêu cầu sữa tươi, sữa ít béo hoặc sữa tách kem, nói không với sữa bột nhân tạo.
- Giảm số lượng, chỉ uống 1 - 2 cốc trà sữa trân châu mỗi tuần.
- Từ từ cắt giảm lượng đường nạp vào để cơ thể làm quen, giúp giảm cảm giác thèm đường.
Rõ ràng, đồ ngọt thì ai cũng mê nhưng những rủi ro về sức khỏe mà chúng mang lại, rất đáng để ta suy ngẫm và cắt giảm đường càng sớm càng tốt. Và chị em nhớ ăn uống từ tốn thôi nhé, vì một cô gái ở Trung Quốc đã chết ngạt vì 3 hạt trân châu mắc trong khí quản .