Gần đây một số trường hợp mắc bệnh do uống trà sữa khiến nhiều người hoang mang. Vậy, làm thế nào để uống trà sữa mà không rước họa vào người? Khi nào trà sữa gây ngộ độc?...
Xuất hiện một số trường hợp ngộ độc, mắc bệnh nghi ngờ do uống trà sữa
Trà sữa là một trong những loại thức uống rất thịnh hành hiện nay. Hương vị đa dạng, màu sắc bắt mắt và đựng trong những chiếc chai, lọ có hình thức hấp dẫn khiến món đồ uống này chinh phục được hầu hết các đối tượng, từ người lớn tuổi đến trẻ nhỏ. Đặc biệt, đây là một trong những loại đồ uống được giới trẻ vô cùng yêu thích. Những tín đồ của loại đồ uống này có thể dùng chúng thường xuyên mà chẳng thấy chán. Tuy nhiên, việc uống sai cách hoặc quá nhiều trà sữa lại không tốt chút nào.
Vài tháng trước đây, Đài Loan ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do uống trà sữa sau mỗi bữa ăn. Theo đó, nữ sinh trung học cảm thấy thân thể hết sức khó chịu, không bị cảm sốt, nhưng không thèm ăn, luôn thấy mệt mỏi và chóng mặt, dễ buồn ngủ. Cô này cũng chưa bao giờ có các chế độ ăn kiêng. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể cô bị thiếu sắt nghiêm trọng. Sau khi hỏi han về tình hình ăn uống, các bác sĩ nghi ngờ rằng nguyên nhân là do cô rất thích uống trà sữa, hầu như mỗi bữa ăn đều uống một cốc trà sữa.
Chưa hết, khoảng 1 năm trước, tại Việt Nam cũng xuất hiện một số trường hợp trẻ bị ngộ độc do uống trà sữa. Theo người mẹ của bé trai chia sẻ thì nguyên nhân gây ra ngộ độc cho bé là do trà sữa. Sức lan tỏa của thông tin này rất lớn vì thông điệp đi kèm hết sức đáng báo động trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan và sự chủ quan của chính những người lớn. Đặc biệt trà sữa, món được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khoẻ lại là món nước hết sức quen thuộc và phổ biến.
Có thể nói, trà sữa là món đồ uống rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay và đáp ứng được nhu cầu của người uống ở nhiều độ tuổi. Trong đó, thanh thiếu niên là nhóm đối tượng đông đảo nhất thích thú với món đồ uống này. Tuy vậy, một số trường hợp mắc bệnh do uống trà sữa khiến nhiều người hoang mang. Vậy, làm thế nào để uống trà sữa mà không rước họa vào người? Khi nào trà sữa gây ngộ độc?...
Chuyên gia chỉ ra lý do khiến trà sữa gây ngộ độc cho người uống
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), trà sữa là thức uống quen thuộc, nếu được làm đúng cách chắc chắn sẽ không gây ra >ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. "Vấn đề của trà sữa là ở chỗ nguồn gốc nguyên liệu có đảm bảo hay không, có xuất xứ rõ ràng hay không, cách pha chế trà sữa có đúng cách hay chưa", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, thực phẩm cần được kiểm soát về hương liệu, chất phụ gia. Các chất này nếu có trong danh mục các chất được sử dụng cũng cần đảm bảo về hàm lượng trong ngưỡng cho phép cũng như khuyến cáo về liều lượng sử dụng. "Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc thực phẩm", vị chuyên gia này khẳng định.
Đặc biệt là với trẻ nhỏ, món đồ uống này có nhiều nguy hại hơn bình thường. Trẻ nhỏ vốn là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những hạt trân châu nhiều màu sắc nên thường thích thú uống loại đồ uống này. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên hấp thu loại thực phẩm này rất kém, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, nôn, tiêu chảy, thậm chí sặc, ngạt thở vì cố hút hạt trân châu. Do đó, bố mẹ cần phải đặc biệt lưu ý nếu muốn cho trẻ uống trà sữa.
Riêng về góc độ trà sữa chứa nhiều đường sữa, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho >sức khỏe nói chung. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến bạn tăng cân, béo phì, thừa canxi có thể dẫn đến sỏi thận… Để tránh những hậu quả không mong muốn, bạn nên uống trà sữa ở những nhãn hàng uy tín, không nên uống trà sữa chứa quá nhiều đường sữa, cũng không nên uống món đồ uống này quá thường xuyên như uống hàng ngày hay uống nhiều lần trong ngày…