Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 đánh giá, việc để xảy ra chùm ca bệnh COVID-19 tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan với dịch bệnh trong khi tại Đà Nẵng 'điểm nóng'.
Sáng 14/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Hết tháng 8, dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam có thể kiểm soát
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam khống chế dịch, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp. Ngoài chi viện về nhân lực, Bộ Y tế cũng chi viện cho các cơ sở y tế của 2 địa phương này các trang thiết bị cần thiết để phục vụ điều trị.
Bộ Y tế phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8/2020 có thể kiểm soát được tình hình.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng: "Đợt này, dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm COVID-19 chỉ như giọt nước tràn ly. Nên mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi".
Chủ quan dẫn tới chùm ca bệnh phức tạp tại Hải Dương
Về tình hình dịch tại Hải Dương, Ban chỉ đạo đánh giá, để xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là biểu hiện của sự chủ quan trong cộng đồng.
Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều cảnh báo trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người thì người phục vụ không đeo khẩu trang, chủ quán và khách hàng đều không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Theo GS Nguyễn Thanh Long, chùm ca bệnh COVID-19 tại Hải Dương rất phức tạp. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gene virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.
Ban chỉ đạo cũng đánh giá, việc tỉnh Hải Dương nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp mạnh như tổ chức cách ly TP Hải Dương, phong tỏa khu vực có bệnh nhân nhiễm, tạm dừng nhiều hoạt động là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời.
Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó; đồng thời Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.
Bộ đã cử trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19
Ban chỉ đạo nhận định, từ nay có thể sẽ không thể có những khoảng thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng bởi khi chưa có thuốc đặc trị chống dịch bệnh này thì nguy cơ xảy ra dịch sẽ có ở khắp các địa phương.
Do đó, Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin để phục vụ chống dịch.
Ban chỉ đạo cũng thông tin, vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa tin một số nước đã sản xuất được vắc xin. Tuy vậy, để có thể nhập về và tiến hành tiêm chủng còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nhà sản xuất và quy định của pháp luật Việt Nam về thử nghiệm vắc xin trước khi tiêm chủng đại trà… Thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng.
Do vậy, mỗi người dân, mỗi địa phương cần chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch đã hướng dẫn. Với chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là, có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát.
Với mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như: Hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết; nếu đi ra nơi công cộng thì phải thường xuyên đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc,…
Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước.