Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 48 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai đã có liên quan tới 13/30 quận, huyện của thành phố và ca ở Mê Linh vô cùng phức tạp.
Vì sao bệnh nhân 243 không bị cách ly dù liên quan Bệnh viện Bạch Mai?
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch >Covid-19 Hà Nội vào chiều 7/4, Chủ tịch Hà Nội cho biết, hiện nay, theo công bố, thành phố có 100 ca nhiễm Covid-19 và có 3 trường hợp xét nghiệm nghi ngờ dương tính, gửi lên Bộ Y tế và sẽ sớm công bố kết quả.
Như vậy, theo ông Chung, đến chiều 7/4 có tổng cộng 103 ca nhiễm và nghi nhiễm. Trong đó, có 48 ca bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.
"Đối với các nhiễm ở BV Bạch Mai cần lưu ý, trong số 48 bệnh nhân này có bệnh nhân liên quan 13/30 quận, huyện của TP. Trong đó Long Biên chiếm nhiều nhất.
Hiện nay, Mê Linh là chúng ta đang phát hiện 1 ca nhiễm nhưng đang có diễn biến vô cùng phức tạp", ông Chung nói.
Qua ca nhiễm Covid-19 ở Mê Linh và qua phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Chung cho rằng, có một điểm đang hiểu rất nhầm lẫn.
Cụ thể, TP yêu cầu trong công điện 01 và 02 xác minh toàn bộ người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xác minh làm rõ phải ra quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm.
"Chúng ta quyết định cách ly ngay lập tức thì tính thời điểm nào? Tối 28/3, chúng tôi có công điện, các địa phương bắt đầu rà soát từ ngày 29/3 cho đến bây giờ.
Như vậy, phát hiện ngày 29, phải ra quyết định cách ly tính từ ngày 29 và cứ 14 ngày phải đến 12/4 mới hết cách ly...
Nếu rà soát phát hiện ra là hôm nay ngày 7/4 phải tính cách ly đến 21/4 chứ không phải hỏi người ta đến viện từ ngày 12/3, rồi tính từ ngày theo người ta nói.
Chúng ta phải hiểu là xác minh và ra quyết định cách ly, lấy mẫu ngay lập tức. Rõ ràng trường hợp bệnh nhân ở Mê Linh đang hiểu sai. Nếu như phát hiện ngày 30/3 và ra quyết định thì đến tận ngày 13 ông này mới được đi lại chứ không phải được đi lại như vừa rồi.
Cho nên, tôi thấy một lỗ hổng rất sai lầm dẫn đến hậu quả này nên đề nghị chấn chỉnh ngay lập tức", ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội thông tin, hiện nay chúng ta đang rà soát được tổng số đến ngày 6/4 có 23.585 người ở cộng đồng và mới xét nghiệm được 7.814 mẫu.
Do đó, ông yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tiếp tục rà soát xem còn bỏ sót, lọt trường hợp nào phải ra quyết định và quyết định cách ly 14 ngày tính từ ngày phát hiện chứ không phải từ ngày họ vào Bệnh viện Bạch Mai.
"Chúng ta phải hiểu đúng nội dung công điện 01 và 02 chứ không phải rà soát thấy ngày 12/3 thôi là rất nguy hiểm", ông Chung nêu thêm.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng cho hay, bệnh nhân 243 tiếp xúc trong BV Bạch Mai từ ngày 12/3, đến ngày 21/3, thấy ngâm ngẩm sốt và tự mua thuốc về uống.
Tuy nhiên, như các chuyên gia đã cảnh báo, đây là bệnh đã lây nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm cho tất cả người khác nhưng có người mắc không có biểu hiện triệu chứng của Covid-19.
Với bệnh nhân 243 trông bề ngoài vẫn khoẻ mạnh, vẫn đi làm, chỉ có thoáng qua ngày 21-22/3 hơi sốt. Hiện bệnh nhân đã có nguy cơ lây cho chị dâu, hàng xóm (dương tính lần 1).
"Tôi tin là người nào tiếp xúc gần mà không có khẩu trang sẽ có nguy cơ cao. Bởi theo các nhà virus học và vi trùng học thì bị lâu như thế lượng virus càng nguy hiểm.
Do đó, tôi quán triệt lại và chúng ta phải rà soát kiểm tra lại. Tất cả các phường xã nào có yếu tố Bạch Mai phải ra quyết định cách ly tại nhà và cập nhật dữ liệu lên phần mềm Smart city để kiểm tra", ông Chung chỉ đạo.
Ổ dịch tại BV Bạch Mai liên quan 12 tỉnh, 13/30 quận huyện Hà Nội, có trường hợp F3 thành F0
Phân tích thêm về "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Chung cho hay, trong số, 48 trường hợp phát hiện nhiễm bệnh tại Bạch Mai đã lan ra 13/30 quận huyện của TP và đã thuộc 7 tỉnh gồm Hà Nội, Hưng Yên, Lai Châu, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Bệnh nhân của 5 tỉnh nhưng nằm ngủ trong Bạch Mai gồm có Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định và Phú Thọ.
"Như vậy, ở BV Bạch Mai đã có bệnh nhân liên quan 12 tỉnh và đang chiếm 48/103 bệnh nhân của Hà nội, mà lại được phát sinh từ ngày 18 đến nay, mới là 20 ngày", ông Chung nói thêm.
Ông thông tin, Bệnh viện Bạch Mai có 2.265 cán bộ y tế, nhưng thời điểm đi làm từ ngày 10/3 có 1/3 số này đi làm và luân chuyển lẫn nhau. Hiện nay có 2 điều dưỡng viên nhiễm bệnh. Nhưng điều quan trọng trong 120 nhân viên của Công ty Trường Sinh và Công ty làm vệ sinh công nghiệp trong bếp ăn Hoàn Mỹ có 26 bệnh nhân đều ăn ngủ trong bệnh viện Bạch Mai.
Nếu tính như thế này phải tính 28 người/2.265 người, nhưng tổng số người làm việc của BV Bạch Mai là có hơn 4.000. Như vậy chúng ta có tỷ lệ 7/1.000 người bị nhiễm bệnh.
Trong số người nhiễm bệnh có nhân viên, bệnh nhân, người đến chăm sóc là có 8 người. Trong khi đó chúng ta thống kê ở đây, người đến chăm sóc là 6.562 người nhà trên địa bàn Hà Nội theo con số thống kê, chiếm tỷ lệ 1/1000, chiếm 0,1%.
Các ca bệnh đã lan ra 5 khoa của bệnh viện Bạch Mai và có lây nhiễm chéo trong cộng đồng như ở Long Biên có mấy trường hợp; Mê Linh giờ có 2 trường hợp; Thanh Xuân có 1 trường hợp.
"Đã có trường hợp F3 trở thành F0, cho nên diễn biến của ổ dịch này còn đang phức tạp. Những người tiếp xúc từ ngày 21, 22, 23, 24 ,25/3 cho đến hôm nay là chưa được 14 ngày. Do đó, tôi muốn phân tích nguy cơ tiềm tàng", ông Chung nêu.
Từ những yếu tố đó, ông Chung đề nghị rà soát lại toàn bộ những người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày giờ nào rà soát phát hiện được thì tính ngày giờ đó để ra quyết định của Chủ tịch xã phường liên quan cách ly tại nhà.
Tất cả trường hợp liên quan yếu tố Bạch Mai trên địa bàn TP phải được lấy mẫu xét nghiệm. Chúng ta sẽ xét nghiệm dưới 2 hình thức là test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Chủ tịch Hà Nội cũng giao CDC Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế, công khai tất cả diễn biến đi lại của 26 bệnh nhân của công ty TNHH Trường Sinh và Hoàn Mỹ.
Phối hợp với Bộ Y tế điều tra dịch tễ của các trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai để biết rõ được nguồn gốc bệnh cũng như tình trạng lây nhiễm chéo giữa các ca và các khoa, phòng. Đồng thời, công bố công khai sơ đồ bệnh để người dân nắm rõ, phòng ngừa và thấy được sự nguy hiểm của ổ dịch; trên cơ sở đó, có các biện pháp phòng, tránh.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định phong tỏa với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh với 457 hộ, 1.825 nhân khẩu.
Xã Mê Linh, huyện Mê Linh phải tổ chức lực lượng phong tỏa theo quy định của Bộ Y tế. Tất cả trường hợp F1, F2 lấy mẫu ngay lập tức, 457 hộ dân ở đây phải ở trong nhà. Huyện và xã tổ chức cung cấp thực phẩm cho nhân dân…