Vào mùa hè, ông nội cậu bé thường có sở thích uống bia mỗi ngày. Vì tò mò, Chen Chen cũng đã nếm thử, ông nội thấy cháu trai uống bia không có phản ứng gì nên mỗi khi ông uống bia đều cho cháu uống khoảng 100ml...
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng (Hàng Châu, Trung Quốc) đã tiếp nhận trường hợp của một bệnh nhân 8 tuổi, tên là Chen Chen. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng da vàng bất thường, nước tiểu nâu sẫm. Xét nghiệm đo lượng alanine aminotransferase (ALT) trong máu bệnh nhân cho thấy đã đạt hơn 1.000 - nghĩa là gần như gấp 30 lần giá trị thông thường (người bình thường là khoảng 40). Điều này cho thấy tình trạng tổn thương gan của Chenchen rất nghiêm trọng, thậm chí có thể tiến triển thành suy gan, đối với trẻ em thì đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao.
Để bệnh không tiến triển quá nhanh, các bác sĩ đã khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tiến hành điều trị để bảo vệ gan cho cậu bé. Sau khi loại trừ bệnh viêm gan E, nhiễm vi-rút Epstein-Barr và các nguyên nhân khác, các bác sĩ bệnh viện nghi ngờ Chen Chen có thể bị tổn thương gan do một loại thuốc hay chất độc nào đó.
Sau quá trình tìm hiểu, bác sĩ biết rằng cậu bé Chen Chen không sống cùng bố mẹ mà ở cùng ông bà. Vào mùa hè, ông nội cậu bé thường có sở thích uống bia mỗi ngày. Vì tò mò, Chen Chen cũng đã nếm thử, ông nội thấy cháu trai uống bia không có phản ứng gì nên mỗi khi ông uống bia đều cho cháu uống khoảng 100ml, tình trạng kéo dài mãi đến khi cậu bé phải vào viện cấp cứu. Các bác sĩ khẳng định uống bia mỗi ngày chính là thói quen khiến Chen Chen bị tổn thương gan khi mới chỉ 8 tuổi.
Sau nửa tháng nằm viện, cuối cùng tình trạng của Chen Chen cũng được cải thiện, tuy nhiên do chỉ số alanine aminotransferase của cơ thể vẫn còn hơi cao nên cậu bé vẫn cần ở lại Bệnh viện Nhi đồng Hàng Châu để tiếp tục điều trị.
Thông qua trường hợp của cậu bé 8 tuổi này, bác sĩ Qi Zhenghong (phó trưởng Khoa 6 chuyên về bệnh gan và nhiễm trùng) cho biết: Trẻ em là đối tượng có chức năng chuyển hóa kém, chỉ cần sử dụng lượng nhỏ bia rượu cũng có thể bị tổn thương gan. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng dễ béo phì khiến gan nhiễm mỡ, phụ huynh cần quản lý chế độ ăn để gan của trẻ luôn khỏe mạnh.
4 loại nước vô cùng nguy hiểm đối với cơ thể trẻ nhỏ
Tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc giữ nước cho trẻ em, đặc biệt là khi trẻ thường xuyên nô đùa, nghịch ngợm ở thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, trẻ uống thứ gì cũng quan trọng không kém việc chúng uống bao nhiêu. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, có vô vàn loại đồ uống có thể hấp dẫn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của trẻ. Cụ thể là:
1. Nước ngọt có ga
Nghiên cứu từ Viện >dinh dưỡng trẻ em tại Đức cho thấy rằng, nước ngọt có ga là một trong những loại đồ uống, đồ ăn có thể kìm hãm sự phát triển chiều cao của trẻ em. Nguyên nhân bởi loại đồ uống này thường chứa nhiều đường, khiến trẻ dễ tích mỡ, gây béo phì và làm yếu cơ bắp hơn.
2. Đồ uống thể thao
Nhiều phụ huynh cho rằng đồ uống thể thao là lựa chọn lành mạnh vì chúng chứa nhiều khoáng chất và chất điện giải mà trẻ đ bị mất trong quá trình tập luyện.
Mỗi ngày cho con ăn một quả trứng lòng đào, 2 tuần sau mẹ trẻ nghẹn ngào đưa con đến viện vì bị nhiễm trùng huyết
Tuy nhiên, theo ông Kristi King, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ: Đồ uống thể thao thường chứa nhiều calo và đường - và chúng không cần thiết cho trẻ em.
"Đồ uống thể thao được sản xuất cho các vận động viên sức bền. Hầu hết trẻ em không hoạt động thể chất đủ để cần nước uống thể thao", ông Kristi King cho hay.
3. Nước tăng lực
Theo chuyên gia King, nước tăng lực là một trong những thức uống mà phụ huynh cần tránh cho trẻ em dùng. Loại đồ uống này khiến lượng đường trong máu trẻ tăng đột biến, làm cản trở giấc ngủ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì vì vậy không có lý do gì để cho trẻ em uống nước tăng lực cả.
Thêm vào đó, theo TS.BS Manny Alvarez (Trưởng bộ môn Sản phụ khoa và Khoa học sinh sản tại Trung tâm Y khoa, Đại học Hackensack Mỹ): Một lon nước tăng lực có chứa lượng caffeine cao gấp 3 - 5 lần một lon soda. Trẻ sử dụng nhiều nước tăng lực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp, lo âu, đau đầu và làm gián đoạn giấc ngủ.
4. Nước hoa quả đóng hộp
Nước ép trái cây tươi với vị ngọt và hương thơm hấp dẫn luôn được rất nhiều trẻ yêu thích. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Kristi King, nhiều loại nước hoa quả đóng hộp có thể là "giả", chúng không được vắt từ hoa quả thật vì vậy chỉ chứa nhiều đường, calo rỗng chứ không có chút dinh dưỡng nào. Lạm dụng nước trái cây đóng hộp khiến trẻ có nguy cơ bị béo phì và tiểu đường loại 2.
Nhiều loại nước hoa quả đóng hộp có thể là "giả", chúng không được vắt từ hoa quả thật.
Thay vào đó, chuyên gia khuyên phụ huynh hãy cho trẻ dùng loại nước ép trái cây 100%, loại nước này có ít đường hơn và có thể chứa chất dinh dưỡng. Một lựa chọn khác là giữ nước lạnh trong tủ lạnh, sau đó bổ sung thêm chanh, cam hoặc táo cắt lát để tạo hương vị.