Đầu năm 2017, Hà Ngọc Ánh (19 tuổi) bị ngã xe, cú ngã không gây cảm giác đau đớn nên cô gái trẻ không đến bệnh viện kiểm tra. Đến tháng 12/2017, Ánh bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhẹ trong xương. Dần dần cường độ đau tăng dần lên, về sau qua thăm khám em mới biết mình mắc ung thư xương.
Vừa đỗ đại học, cô gái trẻ ngỡ ngàng khi biết mình bị >ung thư xương
Theo lời bệnh nhân Hà Ngọc Ánh (19 tuổi – Thanh Hóa) kể lại, đầu năm 2017, Ánh bị ngã xe. Lúc mới ngã, Ánh không hề có dấu hiệu đau đớn, vẫn sinh hoạt và học tập bình thường, dần dần các cơn đau xuất hiện, với tần suất tăng dần lên.
Tốt nghiệp THPT, Ánh tham gia học tại một trường để chuẩn bị cho việc thi vào Đại học. Thời gian này những cơn đau đến với cô gái trẻ liên tiếp, tuy nhiên Ánh vẫn gắng gượng đến trường cùng các bạn. Đến khi việc đi lại thực sự không thể tiếp tục thì Ánh mới cùng bố mẹ ra Hà Nội thăm khám thì được các bác sĩ kết luận ung thư xương (Osteosarcoma).
Cách đây 3 tháng, sau khi mổ chân ở BV Hữu Nghị Việt Đức, Ngọc Ánh được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hai tháng sau khi có kết quả hậu phẫu, Ánh mới bắt đầu điều trị hoá chất.
Cô gái 19 tuổi chia sẻ: “Mình vừa mới thi đỗ vào khoa Quản lý Khách sạn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng chưa kịp nhập học, đã phải nhập viện. Mình nhớ mãi buổi trưa tháng 5 oi ả, nghe bác sĩ nhắc đến căn bệnh ung thư xương, tai mình ù đi, trống rỗng rồi suy sụp. Mình chẳng được ai báo trước, vội vã bước vào hành trình chiến đấu với thuốc, nước mắt và nỗi đau”.
Một tuần sau ca phẫu thuật đầu tiên, Ánh nằm liệt giường, cả thể xác lẫn tinh thần đều bị cơn đau hành hạ, nhiều đêm không ngủ, biết bao lần ăn vào lại nôn ra. Ngọc Ánh cũng cho biết thêm, bản thân sinh hoạt và học tập ở môi trường nội trú nên mọi chế độ đều khoa học và điều độ. Đến giờ Hà Ngọc Ánh và bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cô gái trẻ mắc bệnh ung thư xương.
Suốt 3 tháng qua, Ánh trải qua 4 đợt điều trị, mỗi ngày truyền 4 chai hóa chất và 3 chai dịch, sút đến 6 cân, trên người chi chít những vết tím bầm do chọc kim tiêm.
Bệnh ung thư xương là gì?
Ung thư xương là tình trạng xuất hiện một khối u ác tính ở trong xương. Khối u này có đặc điểm phát triển rất nhanh, phát triển liên tục, xâm lấn tiêu diệt các cơ quan xung quanh và có thể di căn đi cư trú ở rất xa.
Ung thư xương di căn thường rất nhanh. Nếu so với khối ung thư khác thì có thể thấy tốc độ di căn của ung thư xương nhanh gấp từ 3 - 4 lần .
Ung thư xương thường gặp ở gần gối, xa khuỷu như ở đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay. Ung thư xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ.
Nhóm đối tượng nào có tần suất phát hiện ung thư xương?
Các chuyên gia y tế chia sẻ: Ung thư xương có tần suất phát hiện cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên (dao động từ 9-19 tuổi là cao nhất).
Khác với các ung thư khác, ung thư xương bên cạnh nguy cơ tử vong thì nguy cơ trước mắt có thể nhìn thấy đó là sự tàn phế, mất chức năng chi thể, ảnh hưởng đến sinh hoạt vận động và thẩm mỹ, tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trong điều trị ung thư xương, phẫu thuật đóng vai trò chính. Tuy nhiên, chiến lược phẫu thuật là điểm mấu chốt và quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư mà còn ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ, tâm sinh lý và tổng thể là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình.
7 triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư xương cần đi khám ngay
Đa số những bệnh nhân khi nhập viện đều đã có biểu hiện ung thư xương nặng, rất khó khăn trong việc can thiệp y tế. Sau đây là 7 dấu hiệu bất thường của xương, người bệnh nên đi khám ngay để xác định có phải ung thư hay không.
1. Đau đớn
Các triệu chứng chính của các khối u xương phát sinh sớm, bệnh ban đầu chỉ đau nhẹ, không liên tục. Cùng với sự tiến triển của bệnh, cơn đau có thể tăng dần lên, sự phát triển của những cơn đau thường cố định.
Hầu hết bệnh nhân tăng đau vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sự đau đớn diễn ra mơ hồ, bạn gần như khó biết đau từ đâu.
2. Sưng hoặc nổi u cục
Ở thời kỳ đầu, khối u có thể xuất hiện, sờ thấy xương biến dạng. Khi sưng nhiều hơn có thể khiến mô xương nhô ra ngoài, bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm bất thường.
3. Rối loạn chức năng xương
Khi bệnh nhân bị ung thư xương nặng hơn hoặc vào giai đoạn muộn, sẽ gây ra một số cơn đau, sưng và chức năng xương ở bệnh nhân bị cản trở, gây ra các triệu chứng teo cơ tương ứng kèm theo.
4. Triệu chứng bị nén ép
Khi có khối u nào đó phát triển trong khoang sọ và khoang mũi có thể gây chèn ép vào não và mũi, xuất hiện triệu chứng áp lực não chậm chạp và nảy sinh các vấn đề về hô hấp.
U vùng chậu nén vào trực tràng, bàng quang, ruột gây cảm giác khó tiểu, khối u tủy đè nén cột sống có thể gây tê liệt.
5. Biến dạng cơ thể
Do sự phát triển của khối u sẽ làm ảnh hưởng lên hệ xương chi, gây ra các triệu chứng dị tật, cơ thể biến dạng, chi dưới có thể có những thay đổi bất thường so với trước đó.
6. Gãy xương bệnh lý
Phần xương bị bệnh nếu chỉ cần có một tác động nhẹ sẽ rất dễ bị gãy, đau nặng, thường xuất hiện các triệu chứng đau xương thường xuyên, dễ bị gãy xương, cũng có thể gây liệt chân.
7. Đau nhức toàn thân
Khi có khối u xương ở giai đoạn muộn, do các độc tố trong khối u kích thích đau có thể có một loạt các triệu chứng xuất hiện toàn thân như mất ngủ, khó chịu, chán ăn, bơ phờ, xanh xao, giảm cân tiến bộ, thiếu máu, suy mòn.
Khi gặp những triệu chứng này, bạn nên dành thời gian đi khám càng sớm càng tốt. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chữa bệnh sớm luôn tốt hơn để đến khi bệnh đã nặng.
Khi tế bào ung thư di căn vào các cơ quan chức năng mang tính quyết định sống còn của cơ thể, thường gặp nhất là di căn lên phổi. Tác động trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo: Khi thấy có bất cứ biểu hiện bất thường nào về xương khớp, chân tay nên đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị bệnh trong thời gian sớm nhất.