Thời tiết Hà Nội mấy ngày nay bỗng trở lạnh đột ngột, trời lại mưa khiến nhiệt độ giảm mạnh hơn. Điều này rất dễ gây ra một căn bệnh dị ứng nguy hiểm là dị ứng thời tiết.
Điều ai cũng cần biết về dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết là dạng dị ứng thường xảy ra vào thời gian chuyển mùa, từ thời tiết lạnh sang nóng hoặc nóng sang lạnh một cách đột ngột. Thời gian này, với thời tiết ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, trời chuyển lạnh nhanh chóng kèm theo mưa khiến nhiệt độ bất ngờ giảm xuống cũng là lúc dễ xảy ra căn bệnh dị ứng thời tiết.
Dị ứng thời tiết đa số xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ thấp. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể mắc phải do di truyền, do cơ thể nhiễm một số virus hoặc do liên quan đến một vài bệnh lý khác.
Ở dị ứng thời tiết, khi nhiễm lạnh, cơ thể sẽ sản sinh ra histamin và một số chất khác liên quan đến hệ miễn dịch gây nên tình trạng nổi mề đay hoặc một số biểu hiện khác của dị ứng như sưng tay, sưng môi, nặng hơn thì có thể gây phù nề họng, nhịp tim nhanh, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, phù não cấp tính, khó thở cấp tính...
Dị ứng thời tiết có thể ảnh hưởng cả đến tính mạng
Đa số mọi người khi nhắc đến dị ứng đều chỉ nghĩ đến một căn bệnh nhẹ gây nổi mề đay, các nốt dị ứng và mẩn ngứa chứ không phải một loại bệnh gây nguy hiểm. Quả thật, nếu biết cách xử lý và giữ ấm kịp thời thì bệnh sẽ không gây nguy hiểm, nhưng nhiều trường hợp, do không nhanh chóng giải quyết nên đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Ở giai đoạn nặng, dị ứng thời tiết có thể gây phù nề họng, ảnh hưởng đến đường hô hấp gây khó thở. Nếu không được làm ấm ngay, cơ thể bị nhiễm lạnh quá mức, nhất là còn ngấm mưa thì còn có thể gây ảnh hưởng đến cả tim mạch, não, dẫn đến sốc và thậm chí có thể gây tử vong... Có thể thấy, dị ứng thời tiết không chỉ ảnh hưởng bởi nhiệt độ lạnh mà còn ảnh hưởng cả từ việc cơ thể bị ngấm mưa.
Cách phòng tránh dị ứng thời tiết
Để tránh dị ứng thời tiết cùng những hậu quả nghiêm trọng do căn bệnh này gây ra, ngay từ bây giờ hãy phòng tránh bằng các cách sau:
- Luôn giữ cho cơ thể đủ ấm khi trời chuyển lạnh, nhất là các bộ phận dễ nhiễm lạnh như cổ, tai, tay...
- Khi đi ngoài trời mưa, hãy che chắn cẩn thận để cơ thể không bị ngấm nước.
- Tốt nhất là hạn chế đi ra ngoài vào những ngày trời quá lạnh và có mưa.
- Người có tiền sử dị ứng càng cần chú ý hơn đến việc chăm sóc cơ thể.
- Hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng trong thời gian này như hải sản, lạc, dứa...
- Chú ý vệ sinh răng miệng, cơ thể để phòng tránh các bệnh do virus.