Theo các bác sĩ tai mũi họng, bệnh nhân bị rò luân nhĩ nếu không chăm sóc, vệ sinh cẩn thận thì bệnh có thể nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng.
Chị Đỗ Thị Dơn – 23 tuổi, quê Hưng Yên đi khám bệnh với nửa bên mặt sưng tấy đau đớn. Theo chị Dơn, cách đây 10 ngày chị thấy đau ở vùng tai nên cố chịu sau đó vùng tai đau nhiều hơn. Chị Dơn đến khám bác sĩ kê kháng sinh nhưng uống không có hiệu quả.
Đến khi cả nửa mặt bị lệch, đau không ăn uống được gì nên chị Dơn đã tìm tới bệnh viện để khám. Bác sĩ cho biết chị Dơn bị áp xe do viêm từ ổ >rò luân nhĩ. Khi nghe bác sĩ nói rò luân nhĩ, chị Dơn kể bị từ bé và thi thoảng ở lỗ rò nhỏ tý như đầu tăm chảy ra dịch xanh mùi rất hôi.
Tuy nhiên, chị Dơn chủ quan và chủ quan vì trong nhà cả hai chị em đều có lỗ li ti này. Sau khi khám, bác sĩ đã dẫn lưu ổ áp xe sau đó kê kháng sinh để chị Dơn uống.
Sau 1 tháng hết viêm, chị Dơn được chỉ định phẫu thuật cắt rò luân nhĩ để tránh biến chứng về sau.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết nhiều trẻ sinh ra đã có "cái lỗ nhỏ" ở vành tai trên. Bác sĩ An cho biết đây là dị tật rò luân nhĩ. Dị tật này xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra và có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai.
Tỷ lệ của dị tật này ở người da trắng là 1% và ở người châu Phi, châu Á là 1-10%. Rò luân nhĩ có thể xuất hiện độc lập, đơn giản, nhưng cũng có thể kết hợp với những dị tật khác tạo thành những hội chứng biểu hiện bệnh lý toàn thân như hội chứng khe mang - tai - thận.
Bên trong lòng ống là nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã... nên khi đường rò này hoạt động, các chất tuyến bã hoạt động tiết ra các chất bã nhờn, bã đậu trong đường rò đó, gây ra mùi khó chịu.
Nếu không vệ sinh sạch sẽ thì đây sẽ là ổ gây viêm nhiễm. Có những bệnh nhân đến bệnh viện với khuôn mặt lệch hẳn đi do viêm vùng lỗ rò. Đặc biệt là ở trẻ em. Các mẹ thấy có dịch chảy ra mùi khó chịu lại nặn rồi làm tự bôi thuốc không đúng khiến lỗ rò viêm nhiễm nặng.
Trong trường hợp rò luân nhĩ bị nhiễm trùng (khoảng 50%) thì trẻ có thể sốt, đau và lỗ rò sẽ viêm sưng đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời với kháng sinh thích hợp thì lỗ rò luân nhĩ nhiễm trùng đó sẽ nhanh chóng trở thành một ổ áp xe ngay tại đó (khoảng 34%) hay tạo ra những ổ áp xe lan ra những vị trí khác quanh tai như áp xe ở trước tai, áp xe ở sau tai mà khiến ta có thể lầm lẫn với những bệnh lý khác cũng hay gặp ở trẻ như viêm tai xương chũm xuất ngoại, áp xe hạch, những khối u bội nhiễm.
Vi khuẩn gây nhiễm trùng thường là Staphylococcus epidermidis (31%), Staphylococcus aureus (31%), Streptococcus viridans (15%).
Phương pháp điều trị triệt để là phẫu thuật lấy trọn đường rò. Đối với trẻ em thì phẫu thuật này được thực hiện với gây mê toàn thân.