Tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng bằng cách ăn thêm rau, chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Hoặc có thể giải quyết bằng các dùng gừng, tỏi, lô hội để xử lý.
Trong những ngày Tết, mâm cơm của mỗi gia đình luôn đầy ắp các món ăn với nhưng thịt, giò, bánh trưng, dưa hành, củ kiệu... Không chỉ có vậy, với số lượng bữa ăn dồn dập khiến không ít người bị “bội thực” và sinh ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS Nguyễn Xuân Ninh – Nguyên trưởng khoa Vi chất >dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, chướng bụng, đầy hơi là hiện tượng thường gặp của rối loạn tiêu hóa.
Chướng bụng xảy ra khi ăn uống quá nhiều thức ăn vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa. Đặc biệt là khi ăn nhiều chất đạm và chất béo, cộng thêm việc uống nhiều bia rượu nên tình trạng đầy hơi, chướng bụng càng dễ xảy ra và càng nặng hơn.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, PGS Ninh cho rằng đó là do việc ăn uống không điều độ của người dân trong dịp Tết. Đặc biệt là việc sử dụng những đồ ăn giàu dinh dưỡng như chất béo, đồ ngọt (đường), ăn ít rau xanh và lười vận động.
Để giải quyết vấn đề này trong dịp Tết, người dân cần cố gắng ăn đúng bữa, đủ bữa, ăn lượng vừa phải các loại thức ăn nhiều chất béo, quay, rán và bánh kẹo. Theo đó, trong một ngày nếu phải ăn quá nhiều bữa thì tự mỗi người phải ý thức được để hạn chế ăn nhiều.
“Nếu bữa trước ăn nhiều rồi, bữa sau phải giảm, ăn những thứ dễ tiêu và ăn lỏng hơn. Hiện nay có nhiều thực phẩm dễ tiêu, thực phẩm bổ sung để tránh tình trạng chướng bụng đầy hơi như ăn nhiều rau, chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày”, PGS Ninh chia sẻ.
Trong trường hợp đã xảy ra chướng bụng đầy hơi, có thể uống thêm nước gừng, tỏi nướng, uống nước lô hội trước hoặc sau ăn... Theo đó, gừng (tươi, khô, nước gừng), tỏi (ăn sống, giã lấy nước uống), lá tía tô hoặc nghệ (nghệ tươi, khô hay bột nghệ),… đều là những thực phẩm có tính nóng. Chúng giúp làm giảm chứng đầy hơi khó chịu. Với những loại thực phẩm này, có thể ăn kèm trong bữa ăn hoặc thấy có dấu hiệu đầy hơi sau bữa ăn thì nên dùng ngay.
Ngoài ra, có thể ăn sữa chua trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bởi sữa chua có tác dụng làm tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh đó, sữa chua còn chứa nhiều lợi khuẩn probiotic, giúp thúc đẩy tiêu hóa, tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu và tăng cường hệ thống miễn dịch.
“Tuy nhiên để làm được điều đó không phải đơn giản. Bởi vậy, tôi khuyên các gia đình nên nâng cao kiến thức dinh dưỡng, nhất là việc ăn bao nhiều và ăn món gì cho phù hợp.
Nếu bản thân mình không nắm được, không tự làm “bác sĩ” cho mình trong ăn uống thì có tư vấn, khuyến cáo như thế nào cũng rất khó thay đổi”, PGS Ninh nhận định.
Ngoài vấn đề ăn, trong dịp Tết tình trạng rượu bia cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm. Vì thế, bản thân mỗi người phải biết tự phòng là chính. Khi uống cần biết tửu lượng của mình để tránh bị say và gặp phải những điều không mong muốn như: tai nạn giao thông, không kiểm soát được hành vi, lời nói...
“Theo tôi để hạn chế bị say rượu bia trước khi uống rượu phải ăn thêm chút gì đó như chất bột, ngũ cốc để trung hòa dạ dày, dày dày không bị rỗng. Trong khi uống cố gắng uống thêm nước chanh pha loãng, uống thêm nước lọc.
Khi đã say có thể uống cà phê hoặc một số nước lá giải rượu, mát gan. Thậm chí là cố gắng nôn ra để nhanh hết cơn say rượu. Tuy nhiên, vấn đề ý thức của mỗi người vẫn là quan trọng nhất”, PGS Ninh khuyên.