Những con ve phá hủy da bài tiết chất thải, đẻ trứng và chết. Xác của chúng trở thành chất lỏng và phân hủy bên trong da, gây dị ứng.

13:29 08/05/2019

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM cho biết thời gian gần đây, Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng của viện đã tiếp nhận và điều trị cho không ít người. Đa số do da bị mụn thường xuyên, dai dẳng, các nốt mụn rời rạc, đặc biệt hay có cảm giác kiến bò trên mặt vào buổi tối.

Các trường hợp này đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi, trong đó nhiều người có tiền sử sử dụng kem làm trắng da không rõ nguồn gốc. Kết quả thăm khám, hầu hết trường hợp đều bị >viêm da do Demodex.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Nam, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM, Demodex là bệnh gây nên bởi một loài chân đốt (Arthropoda), ký sinh tạm thời ở nang lông, gần nang lông, tuyến bã, trên vảy da ở người và súc vật.

Demodex thuộc lớp nhện (Arachnida); bộ ve (Acarina); họ Demodicidae. Hiện nay, thể giới đã ghi nhận có khoảng 65 loài Demodex khác nhau.

Viêm da Demodex dạng trứng cá. Ảnh chụp tại Phòng khám bệnh CK KST, Viện Ký sinh trùng và Côn trùng TP. HCM.

Trong đó, 2 loài “thích” sống trên mặt người là Demodex folliculorum (D. folliculorum) và D. brevis. Hai loài Demodex này được phân biệt chủ yếu qua vị trí sống.

Loài D. folliculorum thích ngụ cư gần bề mặt da, trong các lỗ chân lông hoặc chân tóc. Còn D. brevis sống ở lớp sâu hơn, phía dưới biểu bì của da, bên trong tuyến nhờn (dầu) bao quanh chân lông của người.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Nam cho rằng Demodex là tên gọi còn khá xa lạ ở Việt Nam và vì thế nhiều trường hợp viêm da do Demodex thường được chẩn đoán nhầm với một số bệnh có triệu chứng tương tự như viêm da tiếp xúc hay mụn trứng cá...

Tuy nhiên, người sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc (kem trộn), hay da bị yếu đi do lột tẩy quá nhiều có tỷ lệ nhiễm Demodex nhiều hơn. Điều đáng nói, một khi đã nhiễm demodex thì việc điều trị là một điều không hề dễ dàng và cần một thời gian khá dài.

Tại Phòng khám, khi thăm khám lâm sàng xong, các kỹ thuật viên sẽ cạo một lớp da mỏng gồm có lớp sừng và một phần sâu gốc nang lông để quan sát dưới kính hiển vi quang học để phát hiện demodex.

Demodex có thể sống ở nơi có nang lông và tuyến bã, hút chất >dinh dưỡng và làm hư hại tế bào, nhiều nhất ở mặt và đặc biệt ở mũi, trán, cằm và má. Demodex lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc có thể là do bụi có chứa trứng bám vào da, hoặc đồ dùng chung.

Bên cạnh đó, một số yếu tố thuận lợi như da tiết bã nhờn nhiều, da mặt bẩn, thương tích xây sát, môi trường độ ẩm, mỹ phẩm kích ứng, hiệu ứng thuốc bôi. Sau khi giao phối chúng đào hang vào da, đẻ trứng, gây nên nhiễm khuẩn và nhiễm trùng da.

Trong suốt giai đoạn của chu kỳ cuộc sống của chúng, những con ve phá hủy da bài tiết chất thải, đẻ trứng và chết. Sau khi chết, xác chết của chúng trở thành chất lỏng và phân hủy bên trong da gây ra phản ứng dị ứng.

Demodex có thể tồn tại trên da người khỏe mạnh mà không có biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên sẽ gây bệnh khi chúng tập trung với số lượng lớn trên vảy da, nang lông hoặc khi miễn dịch của cơ thể suy giảm.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh nhiễm Demodex, mọi người cần giữ gìn làn da lúc nào cũng sạch sẽ, không để tồn dư lượng chất nhờn trên da quá nhiều và trong môi trường quá nóng ẩm. Không còn thức ăn, không có môi trường sống tốt thì tự động demodex sẽ không tồn tại được.

Tích cực vệ sinh nhà cửa, mền, gối phơi nắng... Không sử dụng những sản phẩm không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, những loại kem trộn, kem lột tẩy, thuốc rượu.

Luôn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: bổ sung vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng. Khi có các triệu chứng trên, người dân hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điều trị đúng và hiệu quả, BS Nam nhấn mạnh.

Bệnh viêm da do Demodex có 3 thể bệnh chính, bao gồm viêm nang lông dạng vảy phấn (thể nhẹ nhất) gây thương tổn là đám da đỏ, bề mặt có những vảy da, nút sừng ở nang lông, bệnh nhân có cảm giác kiến bò trên da. Thể nặng hơn là viêm da Demodex dạng trứng cá và trứng cá đỏ thể u hạt (thể này ít gặp, thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch).

Theo BS Nguyễn Bá Nam, khi nhiễm Demodex người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sau: Đám đỏ da, mụn mủ, sẩn đỏ, giãn mạch, có thể gây rụng lông mày, lông mi, rụng tóc, viêm bờ mi, ngứa (cảm giác kiến bò), rát vùng tổn thương.

Điều trị Demodex đúng cách tình trạng nhiễm trùng sẽ dừng lại và làn da của bạn sẽ mịn màng và mềm mại trở lại, lỗ chân lông của bạn sẽ trở nên nhỏ hơn và chất dầu sẽ giảm tiết hơn. Điều trị nên được bắt đầu sớm vì demodex rất dễ lây và lây lan nhanh thông qua việc ôm, hôn nhau, sử dụng khăn chung,...

Người bị nhiễm Demodex không triệu chứng cũng có thể truyền cho người khác. Một khi bị nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Đặc biệt, quá trình điều trị bệnh người bệnh cần rửa sạch mặt hàng ngày, ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm vì đây là môi trường chứa rất nhiều chất dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển của Demodex.

Theo Nguyên Vũ/Sức khỏe & Đời sống
Tags