Không phải lúc nào chúng ta cũng tự cho phép bản thân hắt hơi một cách tự nhiên, nhất là khi đang ở nơi công cộng. Câu hỏi đặt ra là liệu nhịn hắt hơi có gây hại cho sức khỏe?

Minh Anh (t/h) 07:48 14/08/2024

Hắt hơi là nhu cầu bình thường của cơ thể, xảy ra do các tác nhân lạ kích thích niêm mạc mũi. Hiện tượng này giúp đẩy không khí khỏi phổi qua miệng và mũi, loại bỏ các chất kích thích như vi trùng, phấn hoa, bụi ra khỏi mũi và cổ họng.

Tuy nhiên, khi ở nơi công cộng, không gian làm việc cần yên tĩnh, hội họp, hoạt động trang nghiêm, nhiều người chọn nhịn hắt hơi, nén tiếng hắt hơi như một cách hành xử lịch sự, tránh gây chú ý.


Ảnh minh họa

Việc ngậm miệng hoặc bịt mũi khi nhịn hắt hơi sẽ khiến áp lực trong đường thở tăng gấp 5-20 lần so với khi hắt hơi một cách bình thường. Một số người tin rằng áp lực tăng lên trong thời gian ngắn không thể kéo đến rủi ro. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hành động nhịn hắt hơi có thể gây ra một số tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể.

Theo PGS.TS Theresa Larkin, Khoa Y, Đại học Wollongong (Australia), nếu luồng hơi không được thoát ra ngoài, chúng sẽ chuyển tới các bộ phận khác trong cơ thể.

“Điều đó có nghĩa là luồng hơi này có thể làm tổn thương mắt, tai hoặc mạch máu. Mặc dù các rủi ro của việc nhịn hắt hơi là hiếm gặp nhưng đã có trường hợp báo cáo bị phình động mạch não, vỡ họng và xẹp phổi", PGS.TS Theresa Larkin chia sẻ trên The Sun.

Tổn thương họng

Theo các chuyên gia, việc bịt mũi, miệng trong cơn hắt hơi sẽ tạo ra áp lực và gây tổn thương các mô mềm ở cổ họng.

Trên thực tế, vào năm 2018, một người Anh đã bị vỡ cổ họng do nhịn hắt hơi. Bệnh nhân cho biết anh cảm thấy rất đau và hầu như không thể nói hoặc nuốt. Anh có cảm giác như bị nổ ở cổ và sưng cổ sau khi anh cố gắng nhịn hắt hơi bằng cách ngậm miệng và bịt mũi cùng một lúc.


Ảnh minh họa

Vỡ mao mạch

Hắt hơi tạo ra rất nhiều áp lực và việc cố gắng nhịn hắt hơi có thể khiến mao mạch ở mắt, mũi hoặc màng nhĩ bị vỡ.

Tiến sĩ Jason Abramowitz, bác sĩ tai mũi họng của Hiệp hội Dị ứng Mỹ, cho biết việc làm này có thể gây tổn thương lớp mao mạch dưới da, khiến mặt bị đỏ hơn và xuất hiện các vết đốm đỏ.

“Bạn có thể thấy một đốm đỏ trên nhãn cầu hoặc thậm chí chảy một ít máu cam”, tiến sĩ Abramowitz cho hay. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nhịn hắt hơi có thể làm thủng màng nhĩ.

Phình động mạch

Bác sĩ Christopher Chang, chuyên gia tai mũi họng có trụ sở tại Virginia (Mỹ) cho biết cơ thể sẽ giữ lại áp lực nếu nhịn hắt hơi, điều này có thể khiến chỗ phình động mạch não bị vỡ.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, nếu mạch máu trong não bị vỡ có thể đe dọa tới tính mạng. Chảy máu não gây tổn thương một bộ phận của não. Theo thống kê, cứ 5 người mắc tình trạng này thì có 3 người tử vong trong vòng 2 tuần sau đó.

Viêm tai giữa

Đối với những người hắt hơi do bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, việc nhịn hắt hơi có thể khiến tai giữa bị viêm nhiễm. Nguyên nhân là do trong trường hợp này, hắt hơi có tác dụng đào thải những dị vật ra khỏi mũi, trong đó có cả virus.

Theo các chuyên gia của Cleveland Clinic, việc nhịn hắt hơi sẽ vô tình khiến phần không khí mang vi khuẩn hoặc dịch tiết hô hấp có chứa virus đi vào tai giữa và gây nhiễm trùng cơ quan này.


Ảnh minh họa

Xẹp phổi

Theo tiến sĩ Abramowitz, khi nhịn hắt hơi có thể gây cảm giác tức ngực khó chịu do luồng không khí chuyển tới phần cơ hoành. Mặc dù hiếm gặp nhưng đã có báo cáo về tình trạng bị xẹp phổi do áp suất tại phần cơ hoành quá lớn ở những người cố gắng nhịn hắt hơi.

Tình trạng này về mặt y học được gọi là tràn khí màng phổi. Trong một số trường hợp, nếu áp suất phần cơ hoành nhỏ, người bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi áp suất quá lớn có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khuyên mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi hắt hơi. Sau đó, vứt bỏ khăn giấy và rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Mọi người nên hắt hơi bất cứ khi nào cơ thể có nhu cầu, hạn chế nhịn. Với trường hợp không thể hắt hơi nơi công cộng, mọi người cố gắng không bịt lỗ mũi quá chặt.

Nếu liên tục hắt hơi và hành động này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy đi khám để sớm xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Hắt hơi nhiều có thể là dấu hiệu một số bệnh đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm phổi. Bác sĩ sẽ cho người bệnh làm các xét nghiệm, kiểm tra để xác định tình trạng bệnh.

Trường hợp hắt hơi do các dị ứng, tác nhân kích thích (lông thú cưng, bụi bẩn, phấn hoa), người bệnh cũng cần xác định tác nhân chính xác để giảm tiếp xúc và có giải pháp phù hợp.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam