Theo chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng uống bia sẽ “mát” hơn rượu và ít độc hơn rượu nhưng cách hiểu này hoàn toàn sai lầm
Tại hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia mới đây, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã bày tỏ sự quan ngại khi chia sẻ thông tin về người trưởng thành Việt Nam đang tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia)/năm (thống kê của năm 2016), trong khi đó ở khu vực Tây Thái Bình Dương tỉ lệ này là 1,3 lít/năm. Chuyên gia của WHO cho rằng nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại và đó là uống rượu, bia quá độ.
Tại Việt Nam, việc sử dụng rượu, bia dẫn đến 79.000 ca tử vong/năm và hàng trăm ngàn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu, bia.
Vị chuyên gia của WHO này cũng cho rằng hiện nay ở Việt Nam vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Thậm chí không ít người cho rằng uống bia... cho mát hay uống vài cốc bia để giải khát, rồi uống bia không say... Theo ông Kidong Park, cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi tác hại của rượu, bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. "Cứ uống 330 ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là cơ thể đã nạp 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ hay tương tự như khi uống 1 chén rượu mạnh (30 ml). Rõ ràng không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu, bia trên các loại hình đồ uống..."- ông Kidong Park khẳng định.
Đại diện WHO khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra những quy định cho việc tiếp cận quảng cáo về rượu bia. Cùng với đó, người dân, những người chọn không uống rượu, bia cần được bảo vệ trước việc tiếp cận các quảng cáo về rượu, bia. Bên cạnh đó, cần tăng thuế về đồ uống có cồn, hạn chế quảng cáo đồ uống và thực thi hạn chế giờ bán rượu, bia, đặc biệt cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Dẫn chứng nghịch lý về sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trung bình 1 năm Việt Nam sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp vả khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.
Tình trạng lạm dụng rượu, bia ở mức báo động là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau, được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, đến nay Việt Nam mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao...
Rượu, bia làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chất ethanol chứa trong rượu, bia được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư như khoang miệng, họng, thực quản, thanh quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Uống rượu, bia lâu ngày cũng khiến não bị teo, trí nhớ kém, tính cách thay đổi. Não càng teo, biến đổi nhân cách càng nhiều.
Theo báo cáo của WHO, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam và ở nam giới trong độ tuổi 15-49. Trước đó, một kết quả điều tra pháp y của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia cho thấy khoảng 59% nạn nhân trong độ tuổi 15-29 và 24% từ 30-44 tuổi; 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50 mg/100ml máu.