Khi bị hóc xương cá, xương gà, nhiều người bảo nhau nuốt thêm đồ ăn, uống nước, vỗ lưng để dị vật trôi đi. Làm như vậy có đúng không và nên xử trí ra sao khi bị hóc xương?
Khi bị hóc xương (>hóc xương cá, xương gà…), thay vì đến bệnh viện, nhiều người thường áp dụng các mẹo chữa hóc xương như thò tay móc họng, nuốt miếng cơm hoặc thức ăn lớn, uống nước, vỗ ở lưng để dị vật trôi đi.
Theo bác sĩ BV TP Thủ Đức, những mẹo chữa hóc xương cá, xương gà này đôi khi mang lại hiệu quả, nhưng lại là những phương pháp chữa >hóc dị vật đường ăn lợi bất cập hại, có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng, thủng thực quản.
Bởi, khi bị hóc xương, việc nuốt thêm đồ ăn hay nước có thể đẩy dị vật cắm sâu hơn vào thành hạ họng hay thành thực quản. Và khi đó, dù bệnh nhân có đến bệnh viện thì các bác sĩ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nội soi phát hiện vị trí dị vật, cũng như gắp dị vật ra.
Khi bị hóc xương cá, xương gà, nếu như thò tay móc họng, nuốt miếng cơm hoặc miếng thức ăn lớn có thể dẫn đến nhiễm trùng, thủng thực quản. Ảnh minh họa
Ngoài ra, mẹo vỗ lưng chữa hóc xương có thể làm dị vật sau khi bong ra bị lạc vào đường thở có thể gây nguy hóc dị vật đường thở, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, nếu dị vật không được lấy ra sau một thời gian ngắn (trong vòng 24 giờ) sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở đường ăn. Vì đường ăn có rất nhiều vi khuẩn nên nhiễm trùng rất nhanh.
Nhiễm trùng ở vùng cổ, vùng ngực rất dễ lan sang các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng để muộn có thể dẫn tới viêm tấy vùng cổ sâu, thủng thực quản, thủng dạ dày.
Nguy hiểm hơn, khi bị chèn ép, ổ mủ có thể vỡ ra tràn vào đường thở gây ngạt thở. Đôi khi xương động vật hoặc dị vật sắc nhọn cũng có thể gây thủng mạch máu lớn như thủng động mạch chủ hoặc động mạch cảnh gây chảy máu ồ ạt dẫn tới tử vong.
Để không gặp nguy hiểm, bác sĩ BV TP Thủ Đức hướng dẫn cách xử trí khi bị hóc xương như sau:
- Ngừng việc ăn và khạc hết thức ăn ra khỏi miệng.
- Súc họng bằng nước lọc theo phương pháp sau: Ngậm một ngụm nước vào miệng, ngửa đầu ra sau, thè lưỡi ra ngoài và kêu "aaaaa" liên tục để làm cho lọc sọc nước ở trong họng cho đến lúc phải nhổ ra để thở. Động tác này sẽ giúp lấy xương ra khỏi miệng và vùng họng. Sau khi làm liên tục 3 lần mà vẫn cảm giác vướng họng, đau họng khi nuốt thì đến cơ sở y tế để kiểm tra.
- Tuyệt đối không móc họng hay cố gắng nuốt thức ăn, cơm thật nhiều để làm trôi xương.