Những người mắc chứng trypophobia thường bị ám ảnh, sợ hãi, buồn nôn khi nhìn thấy những thứ có nhiều lỗ tròn như tổ ong, đài sen hay bong bóng.
Kudzai Dube, 22 tuổi, đến từ Brisbane (Australia), mắc phải hội >chứng sợ lỗ tròn, có tên khoa học là >trypophobia. Cô luôn bị ám ảnh, sợ hãi với những đồ vật có lỗ tròn như miếng bọt biển, bánh xốp, đài sen... "Nếu không thể loại bỏ được hình ảnh chúng ra khỏi đầu, tôi phải đi tắm để cảm thấy tốt hơn", Kudzai cho biết.
Kudzai chia sẻ cô bắt đầu cảnh giác với những cái lỗ khi lên 5 tuổi. Nỗi ám ảnh của cô có thể đã được kích hoạt khi xem một bộ phim có chiếu hình ảnh những con giun bò vào mũi của mọi người.
Theo học ngành địa chất, Kudzai cho biết cô gặp nhiều rắc rối với chứng sợ lỗ này. Khi tham gia các chuyến đi thực địa, cô phải thu thập những viên đá có lỗ tròn nhưng không thể rũ bỏ cảm giác lo lắng.
Một lần, anh trai cô, Tererai, khoe với cô bức ảnh trên máy tính. "Đó là bức ảnh của một người phụ nữ, nhưng ai đó đã chỉnh sửa và thêm rất nhiều lỗ nhỏ trên cơ thể cô ấy. Làn da của cô ấy như thể được làm từ tổ ong. Tôi cảm thấy nổi da gà và bật khóc nức nở", Kudzai nói.
Kendall Jenner, người mẫu nổi tiếng ở Mỹ, cũng là một trong số những người thừa nhận bản thân mắc chứng trypophobia. Trong một lần chia sẻ với người hâm mộ, Kendall cho biết: "Không nhiều người biết tôi sợ những lỗ tròn như tổ ong, lỗ sen, hay thậm chí là hình xăm lỗ tròn trên cơ thể người... Tôi thường thấy chóng mặt, buồn nôn khi nhìn thấy chúng".
Kendall thừa nhận chứng bệnh này gây ra nhiều khó khăn cho cô khi thường xuyên phải mặc những trang phục có thiết kế lạ.
Chứng sợ lỗ là gì?
Trypophobia là nỗi ám ảnh phổ biến ảnh hưởng đến 15% dân số thế giới. Thuật ngữ này tương đối mới và chưa được công nhận là căn bệnh tâm lý. Vì vậy, nếu bạn chưa từng nghe về nó, đó không phải là điều kỳ lạ.
Trypophobia là nỗi sợ hãi mãnh liệt và không giải thích được của người bệnh khi nhìn thấy các mô hình, đồ vật, cụm lỗ nhỏ hoặc vết sưng. Những hình ảnh này có thể là tổ ong, đài sen, lỗ đục trên thân cây, bọt xà phòng, bong bóng, quả dâu tây, lựu...
Theo Medical News Today, khi nhìn thấy một cụm lỗ, những người mắc bệnh cảm thấy ghê tởm hoặc sợ hãi. Một số triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, ngứa, ngất xỉu, chóng mặt, nổi da gà, đổ mồ hôi, hoảng loạn.
Tại sao chứng sợ lỗ lại tồn tại?
Xuất hiện lần đầu vào năm 2005, hội chứng này chưa được y học công nhận là một loại bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều người cho biết họ cảm thấy thực sự sợ hãi trước những cái lỗ. Nhiều trường hợp nổi da gà, loạn nhịp tim, thậm chí khó thở. Nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ vẫn còn khá hạn chế, nhưng có một số lý thuyết nói về lý do nó xảy ra.
Theo một trong những giải thích phổ biến nhất, trypophobia là phản ứng tiến hóa của con người đối với những thứ có liên quan đến bệnh tật nguy hiểm. Chúng bao gồm các vấn đề về da, ký sinh trùng và bệnh nhiễm trùng với đặc trưng là các cụm hình tròn hoặc vết sưng xuất hiện trên da.
Nghiên cứu của các nhà tâm lý tại Đại học Kent (Anh) cho thấy phản ứng này được coi là sự nổi loạn sinh học, chứ không phải là chứng bệnh tâm lý. Theo đó, sự ác cảm đối với các lỗ nhỏ liên quan đến các mầm bệnh lây truyền qua da như đậu mùa, rubella, sởi... Điều này cũng giải thích cảm giác ngứa ngáy của người bệnh khi nhìn vào các lỗ tròn vô hại.
Một giải thích khác cho rằng các lỗ cụm có chung hình dạng tương tự hoa văn ở một số động vật có nọc độc như rắn chuông, bạch tuộc vòng xanh... Con người phản ứng sợ hãi với những loài động vật nguy hiểm này và kích ứng trypophobia.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng phát hiện nguyên nhân khiến nhiều người mắc chứng bệnh này là não bộ bị quá tải. Theo đó, những hình ảnh thủng lỗ chỗ khó chịu khiến khu vực chịu trách nhiệm phân tích thông tin thị giác không làm việc hiệu quả.
Khi đó, để xử lý thông tin này, não bộ yêu cầu nhiều oxy hơn. Tuy nhiên, đối với một số người, điều này khiến não bị quá tải, dẫn đến cơ thể phản ứng lại bằng các cảm giác như chóng mặt, buồn nôn... để buộc những người này không tiếp tục nhìn.
Chứng sợ lỗ có điều trị được không?
Điều này rất khó vì bạn không thể rời khỏi nhà mà không gặp phải bất kỳ lỗ tròn nào. Tuy nhiên, có một số cách khác nhau để điều trị nỗi ám ảnh. Hình thức hiệu quả nhất là điều trị tiếp xúc. Đó là loại trị liệu tâm lý, tập trung vào việc làm thay đổi phản ứng của người bệnh với đối tượng hoặc tình huống gây ra sợ hãi.
Ngoài ra, các lựa chọn điều trị khác có thể giúp bạn kiểm soát sự ám ảnh bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Bao gồm tập thể dục, tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh dùng caffeine và các chất kích thích
- Liệu pháp tâm lý: Nói chuyện với một chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý
- Sử dụng thuốc: Đôi khi, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị chứng ám ảnh và lo lắng như thuốc chẹn beta, an thần, chống trầm cảm
- Các kỹ thuật thư giãn: Một số động tác như hít thở sâu và yoga có thể giảm sợ hãi.