Cứ nghĩ bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng hóa ra nó còn có thể xảy ra ở cả người lớn. Đặc biệt, ở người lớn thì bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tay chân miệng là bệnh do virus đường ruột gây ra, nó lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng hay phân của người nhiễm virus. Đây là căn bệnh thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, nhưng hiện tại số người lớn mắc phải căn bệnh này cũng ngày càng gia tăng.
Bệnh tay chân miệng là loại bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan từ người này sang người khác, dễ gây thành dịch do virus đường ruột tạo nên. Hai nhóm tác nhân chính gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Một số biến chứng nguy hiểm do >bệnh tay chân miệng gây ra có thể kể đến là viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong đó, các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71 gây ra.
Ai có thể mắc bệnh tay chân miệng?
Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung vào nhóm dưới 3 tuổi.
Chính những yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại trường mẫu giáo, hay các nơi trẻ chơi tập trung đông... là các nguy cơ tiềm ẩn làm lây lan bệnh tay chân miệng, nhất là những vùng có đợt dịch bùng phát.
Người lớn bị lây bệnh tay chân miệng như thế nào?
Vốn sức đề kháng ở cơ thể người lớn thường mạnh hơn nên rất ít khi mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, những trường hợp mắc bệnh lại có thể nguy hiểm hơn cả trẻ nhỏ do thường xảy ra với đối tượng có hệ miễn dịch yếu, từ đó khiến virus bệnh dễ xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể, gây thêm nhiều biến chứng khác.
Có 2 đường lây lan bệnh tay chân miệng ở người lớn như sau:
- Bệnh lây qua đường tiêu hóa: Nguồn lây bệnh chính là do ăn chung với những trẻ mắc bệnh, tiếp xúc với nước bọt và thường lan truyền cao nhất trong tuần đầu của bệnh.
- Bệnh lây qua việc chăm sóc với trẻ mắc bệnh: Người lớn tiếp xúc với phân, dịch mũi họng, dịch nốt phỏng của trẻ nhiễm bệnh... thậm chí là cả những món đồ chơi, sàn nhà, bàn ghế... mà trẻ đã từng động tới đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này rất cao.
Mỗi năm, tại thời điểm bùng phát dịch tay chân miệng thì các bệnh viện trên cả nước đều ghi nhận một vài trường hợp người lớn cũng đã mắc phải căn bệnh này. Trong năm 2016, trường Đại học Florida (Mỹ) còn ghi nhận được 15 ca mắc bệnh tay chân miệng. Điều này càng khẳng định rằng, căn bệnh này hoàn toàn có thể lây lan giữa những người ở độ tuổi trưởng thành.